Cách trồng cây chùm ngây cực hiệu quả

Chùm ngây là một loại cây có giá trị dinh dưỡng cao và là một trong số ít các loài cây có thể sử dụng toàn bộ cây. Tuy nhiên cách trồng chùm ngây để có thể sử dụng toàn cây thì không ai cũng biết.

Hãy cùng Niên Giám Nông Nghiệp tìm hiểu cách trồng chùm ngây hiệu quả và ít tốn công nhất nhé.

Tổng quan về chùm ngây

Chùm ngây có danh pháp khoa học là Moringa oleifera, tên tiếng anh thông thường là drumstick tree. Ở nhiều vùng nước ta còn gọi là cây dùi trống, cây ba đậu,… Chùm ngây là một loại cây phát triển nhanh có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Cách trồng chùm ngây

Chùm ngây là loài cây rụng lá, phát triển nhanh, chịu hạn tốt. Chiều cao có thể đạt tới 10-12m và đường kính thân có thể lên tới 45cm. Vỏ cây có màu xám trắng và được bao quanh bởi lớp bần dày. Cành non có màu đỏ tía hoặc trắng xanh, vỏ có lông. 

Cây có tán rộng gồm các cành rũ xuống, mỏng manh và các lá tạo thành tán lá hình tam giác và có lông tơ. Các lá của nó có hình dạng khá độc đáo vì chúng là bộ lá kép, với các lá này sẽ ghép nối thành một cành. Các lá chét nhỏ hình bầu dục. 

Hoa của chùm ngây có mùi thơm nhẹ và là hoa lưỡng tính. Hoa chùm ngây có màu trắng hơi vàng, thanh mảnh. Mỗi hoa có năm nhị hoa hướng về một phía. Chúng mọc thành chùm trên thân cây lan rộng hoặc rủ xuống, có chiều dài mỗi chùm khoảng 10–25 cm.

Hoa bắt đầu ra sau khoảng sáu tháng sau khi trồng. Ở những vùng mát mẻ chùm ngây ra hoa một lần trong năm từ tháng 4 đến tháng 6. Trong điều kiện nhiệt ổn định hơn và lượng mưa liên tục, cây có thể ra hoa hai lần mỗi năm hoặc nhiều hơn.

Quả là một quả nang ba cạnh treo, kích thước 20–45 cm. Trong quả chứa các hạt hình cầu màu nâu sẫm, đường kính khoảng 1 cm. Nhiều người nói rằng quả chúng trong như dao găm, nhưng nhìn chung quả chúng có phần giống các loại đỗ. Hạt có ba cánh màu trắng và được phân tán nhờ gió.

Hoa chùm ngây

Điều kiện trồng chùm ngây

Nhiệt độ

Chùm ngây là một loài cây ưa thích khí hậu ấm áp. Nhiệt độ lý tưởng cho chúng phát triển là từ 25-35 oC. Ở Việt Nam thời điểm thích hợp để trồng chúng là vào mùa xuân. Khi này nhiệt độ ấm vừa đủ để cây phát triển và cũng không quá nắng gắt.

Chùm ngây có thể chịu được khí hậu lạnh. Tuy nhiên vẫn không nên trồng chúng vào mùa đông vì chúng khá kém phát triển vào mùa này. Đặc biệt ở miền Bắc vào mùa đông có thể có sương giá ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của chùm ngây.

Nên xem:   Cách làm bơ ra hoa trái vụ, kỹ thuật kích cây bơ ra quả

Hạt giống chùm ngây có thể nảy mầm trong khá nhiều điều kiện kể cả khi nhiệt độ khá thấp. Tuy nhiên sự phát triển cây con thì cần khí hậu ấm áp. Do đó, tốt nhất không nên trồng chùm ngây khi nhiệt độ lạnh dưới 12o C.

Ánh sáng

Giống như nhiều loài cây rau màu như củ cải đỏ, cải bó xôi, rau dền,.. cây chùm ngây cần ánh sáng mặt trời tối thiểu 6 giờ mỗi ngày. Do đó nếu trồng chùm ngây tại nhà bạn nên chọn những vị trí tại ban công, sân thượng nơi có ánh sáng mặt trời chiếu tới. Tránh trồng chùm ngây tại nơi không có ánh sáng.

Đất trồng chùm ngây

Chùm ngây thích đất mùn hoặc đất cát tơi xốp vì những loại này tạo điều kiện tốt nhất cho rễ phát triển sâu xuống đất hoặc thành bầu. Đất tơi xốp cũng sẽ đảm bảo thoát nước tốt. 

Mặc dù cây có thể sống được trong đất nghèo dinh dưỡng hoặc đất sét, nhưng tốt nhất bạn nên trồng chúng vào đất mùn. Cây phát triển tốt nhất trong đất hơi chua hoặc trung tính có độ pH từ 6,5-7,5.

Do chùm ngây có bộ rễ phát triển khá lớn do đó cần đảm bảo lượng đất đủ cho chúng phát triển. Với các loại đất mua sẵn tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp nên tiến hành trộn thêm với phân hữu cơ và trùn quế để tăng thêm độ phì nhiêu cho đất.

Với đất vườn, đất ruộng nên được cày bừa và phơi ải dưới ánh nắng trực tiếp của mặt trời trong vài ngày. Ánh nắng mặt trời sẽ tiêu diệt các mầm bệnh có trong đất đặc biệt là nấm. Điều này sẽ giúp hạn chế được tình trạng bệnh cho cây vào mùa tới.

Đất cũng nên được tiến hành dọn sạch cỏ và bổ sung thêm dinh dưỡng trước khi trồng chùm ngây. Hoặc có thể tiến hành bón lót phân lúc trồng cây đều được.

Cách trồng chùm ngây hiệu quả

Chùm ngây là loại cây tương đối dễ trồng. Có hai cách trồng chùm ngây phổ biến là giâm cành hoặc trồng từ hạt. Tuy nhiên cách giâm cành phổ biến hơn do thời gian nhanh hơn và đảm bảo đúng loại chùm ngây bạn muốn trồng.

Giâm cành

Khi trồng cây chùm ngây non, bạn cần đảm bảo chuẩn bị đất trước. Hãy chắc chắn không có đất sét nặng phía dưới đất. Sau đó tiến hành chọn cây giống đang giai đoạn phát triển xanh tốt, không có dấu hiệu sâu bệnh.

Chọn những cành bánh tẻ không quá non hoặc quá già để tiến hành nhân giống. Dùng dao sắc cắt dứt khoát thành các đoạn dài khoảng 50-100cm. Tránh cắt nhiều lần gây dập nát tại vết cắt gây khó khăn cho sự phát triển của cây.

Nên xem:   Cây trầu bà - đặt không đúng chỗ gia chủ sớm tán gia bại sản

Bạn nên cắt bằng hoặc hơi vát một xíu. Sau đó tiến hành tỉa hết các lá cây. Đừng nên tiếc, lá nhiều chỉ khiến cây thoát nước qua lá nhiều hơn trong khi bộ rễ của chúng chưa phát triển.

Giâm cành

Tiến hành cắm cành xuống đất sao cho ngọn hướng lên phía trên. Chiều sâu tốt nhất cho sự phát triển của chùm ngây là khoảng 10cm. Có thể dùng chân hơi nén đất xuống để cho cây đứng vững tránh sự lay động bởi gió và mưa.

Sau đó tưới nước hàng ngày cho cây. Trong điều kiện thuận lợi cây sẽ nảy mầm mới đầu tiên sau khoảng 10-20 ngày.

Gieo hạt

Nếu bạn đang trồng cây chùm ngây từ hạt, quá trình nảy mầm có thể mất đến 3-14 ngày. Lý tưởng nhất là chúng sẽ nảy mầm trong nhiệt độ ấm áp từ 20 – 30oC. Tốt nhất bạn nên giâm hạt trong bầu hoặc các chậu nhỏ trước khi trồng chúng ra đất vườn.

Hạt chùm ngây

Hạt nên ngâm nước vài ngày trước khi gieo sẽ cho tỉ lệ mọc mầm cao hơn. Nước lên là nước ấm khoảng 30 – 40oC. Nước ấm sẽ như là một động thái kích thích hạt nảy mầm nhanh hơn.

Cách ngâm hạt cũng rất đơn giản. Bạn chỉ cần kiếm một chiếc tô to hoặc chậu, đổ nước và bỏ hạt vào. Nhớ để chúng tại nơi râm mát. Sau đó bạn có thể tiến hành gieo những hạt này.

Đất nên được làm ẩm trước khi gieo hạt. Nếu ươm trong chậu hoặc bầu hãy đảm bảo những chậu và bầu này có khả năng thoát nước tốt. Gieo hạt sâu ít nhất tầm 2 cm và để chậu ở nơi ấm áp, có nắng nhưng không phải là nắng gắt.

Tưới nước hàng ngày cho đến khi hạt nảy mầm. Giữ đất ẩm nhưng không bị úng vì cây con có thể bị chết khi úng nước. Sẽ mất một vài ngày để hạt giống phát triển thành cây non. Khi chúng cao 16- 20cm hãy chuyển chúng sang chậu lớn hơn hoặc chuyển ra đất.

Cách chăm sóc chùm ngây

Tưới nước

Mặc dù chùm ngây có nguồn gốc phát triển ở vùng nhiệt đới và có khả năng chịu hạn nhưng cây chùm ngây vẫn cần nước để phát triển. Ở những nơi ẩm ướt chúng sẽ phát triển mạnh và nhanh hơn.

Do đó bạn nên tưới nước đều đặn cho cây trong quá trình phát triển của chúng. Đặc biệt là những cây non sẽ cần nhiều nước hơn những cây đã trưởng thành. Giữ ẩm cho đất xung quanh chúng bằng cách tưới nước 2-3 ngày một lần.

Tần suất tưới nước cũng nên được điều chỉnh theo điều kiện thời tiết. Mùa hè nắng nhiều và những ngày hanh khô, nước nên được bổ sung thêm cho chúng. Trong khi những ngày mưa hoặc mùa đông thì có nguồn nước tự nhiên nên bạn không cần bổ sung quá nhiều nước.

Chùm ngây là cây có bộ rễ phát triển lớn do đó khi tưới bạn cũng nên chú ý. Tưới sâu và từ từ sẽ tốt hơn tưới nông nhanh vào gốc cây. Bạn có thể dùng các vòi tưới với tốc độ chảy nước chậm để nước kịp ngấm vào sâu những lớp đất phía dưới.

Nên xem:   Cách trồng Củ Dền dễ như trở bàn tay

Bón phân

Phân nên được bổ sung thường xuyên và định kì trong suốt quá trình phát triển của chùm ngây. Ngoài việc bón lót lúc trồng cây thì bạn nên bổ sung phân hữu cơ, phân chuồng quanh gốc cây.

Chùm ngây cần khá nhiều dinh dưỡng để phát triển nhưng chúng có bộ rễ phát triển để tìm nguồn dinh dưỡng khá rộng. Ngoài ra bạn cũng có thể bổ sung thêm các loại phân NPK nhẹ hoặc các loại phân bón qua lá hằng năm.

Cắt tỉa

Việc cắt tỉa cây chùm ngây là một việc khá cần thiết trong quá trình phát triển của chúng. Nếu không cắt tỉa định kì chúng có thể phát triển dày đặc, đan xen vào nhau như trong rừng vậy. Việc này sẽ gây khó khăn trong chăm sóc hoặc thu hoạch sau này.

Loại bỏ một số cành để mở tán cây và ngăn chặn các cành đan chéo vào nhau. Điều này tạo điều kiện cho lá phát triển khỏe mạnh. Những cành hư hỏng, dấu hiệu sâu bệnh hoặc già cũng nên được loại bỏ.

Thu hoạch và sử dụng

Chùm ngây phát triển khá nhanh. Sau khoảng ba tháng là có thể tiến hành thu hoạch lá chùm ngây. Bạn có thể tiến hành việc thu hoạch lá đồng thời cắt tỉa cây. Lá tươi có thể sử dụng như một loại rau giàu dinh dưỡng.

Cách trồng chùm ngây

Sau khoảng vài năm trong điều kiện thuận lợi là cây chùm ngây đã có thể cho những đợt quả đầu tiên. Quả chúng có thể chế biến thành nhiều món ăn tương tự đậu cô ve như luộc, nấu canh, xào,.. Tuy nhiên muốn ăn quả cần thu hoạch khi quả còn non.

Khi quả trưởng thành vỏ quả không còn ăn được nữa, nhưng các hạt bên trong có thể được ép để chiết xuất dầu chùm ngây. Hạt cũng có thể được nấu chín và ăn nhưng cần tách chúng ra khỏi phần vỏ quả. Chần nhanh hạt sẽ loại bỏ lớp màng dính, sau đó có thể nấu theo cách tương tự như đậu Hà Lan.

Ngoài ra chùm ngây còn có củ. Tuy nhiên cây sẽ mất nhiều thời gian để phát triển củ. Cây chùm ngây sau khoảng 5-6 năm tuổi mới có thể cho thu hoạch củ. Mỗi gốc chùm ngây có thể cho tới 10kg củ. Củ chứa lượng dinh dưỡng rất cao và tốt cho sức khỏe.

Cách trồng chùm ngây không hề khó. Hy vọng những chia sẻ của Niên Giám Nông Nghiệp sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình trồng chùm ngây. chúc bạn may mắn và thành công!

Theo: Biển Lặng

5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận