Theo Khánh Minh / Báo Đồng Nai
Vườn ổi của chị Lý ở…
Ngoài chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, Long Khánh còn khá nổi tiếng với đặc sản ổi xá lị. Thế nhưng, ít ai biết giống ổi này chỉ trồng ở ấp 1, xã Bình Lộc và ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang mới cho trái lớn và thơm ngon.
- Trồng ổi không chỉ thoát nghèo Diện tích trồng ổi xá lị của ấp 1 (Bình Lộc) và ấp Bàu Cối (Bảo Quang) lên đến gần 100 hécta. Giống ổi này được nhiều người xem là cây xóa đói giảm nghèo, vì trồng chỉ 3 tháng bắt đầu cho trái. Điều đặc biệt của ổi xá lị là cho trái quanh năm, nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch trong vòng 10 – 12 năm và năng suất trung bình trên 60 tấn/hécta/năm. Chị Đặng Thị Lý, ấp 1 xã Bình Lộc, nói: “Tôi trồng 6 sào ổi (6.000m2 ) đã thu năm thứ 8 nhưng năng suất vẫn đạt gần 7 tấn/sào. Ổi trồng ở vùng này ăn rất ngon, trái lại lớn, trung bình khoảng 2 trái/kg, nhưng cũng có trái nặng đến 1,2 – 1,3 kg vì thế thương lái về mua rất đông, chưa bao giờ bị ế hàng. Cây ổi trồng trên 1 năm thì cứ 7 ngày hái trái một lần. Với giá bán từ 4 – 5 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm tôi lời khoảng 100 triệu đồng. Cũng nhờ trồng ổi mà gia đình tôi từ một hộ nghèo khó nay đã có của ăn của để. Mới đây, tôi còn dành dụm mua thêm 1 hécta đất để trồng ổi”. Bà Lê Thị Tiến, ấp Bàu Cối xã Bảo Quang, cho hay: “Gia đình tôi có 4 sào ổi xá lị đang cho thu hoạch năm thứ 5 – 6, mỗi năm cho lời trên 30 triệu đồng, nhờ vậy mà cuộc sống ổn định”.
Theo những hộ trồng ổi nhiều năm ở đây cho biết, nguồn gốc của cây ổi xá lị là từ Tiền Giang đưa lên vào những năm 1980. Thời ấy đa số bà con ấp 1, ấp Bàu Cối còn rất khó khăn, thiếu thốn nhưng nhờ trồng ổi mà nhiều hộ đã thoát nghèo. Thế nhưng, diện tích trồng ổi hiện nay đang giảm dần vì cây hay bị sâu bệnh, khô cành và chết hàng loạt nên nhiều hộ đành phải chuyển qua trồng sầu riêng, chôm chôm… Cho dù các cây trồng mới thu lợi không cao hơn cây ổi.
- Người trồng ổi “đói” kỹ thuật
Giá trị của cây ổi xá lị ở vùng đất Bình Lộc, Bảo Quang rất cao và nếu được chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt, năng suất có thể đạt trên 70 tấn/hécta/năm và cho lãi khoảng 200 triệu đồng/hécta/năm. Đáng tiếc là hiện tại có nhiều hộ dân trong vùng đành phải chuyển qua trồng những cây ăn trái khác với hiệu quả kinh tế thấp hơn vì không biết cách phòng trừ sâu bệnh cho cây ổi. Bà Mười , một nông dân trồng ổi nhiều năm ở ấp 1 xã Bình Lộc, cho biết: “Tôi trồng ổi nhiều năm, thấy cây bị bệnh thì tự đi mua thuốc về phun xịt. Có nhiều loại bệnh không biết cách điều trị nên hiệu quả trừ bệnh không cao”. Chị Lý, người trồng ổi thành công nhất ấp 1, cho hay: “Mấy năm trước trồng ổi rất dễ, cây ít sâu bệnh, năng suất có khi đạt 7 – 8 tấn trái/sào/năm. Nhưng vài năm nay, cây ổi thường xuyên xuất hiện các loại bệnh làm khô cành, chết cây. Để phòng trừ bệnh, hàng tuần tôi phải phun xịt thuốc bảo vệ thực vật . Hễ nghe quảng cáo có loại thuốc trừ sâu bệnh nào mới là tôi mua về phun xịt do vậy tiền đầu tư cho cây ổi tăng thêm gần 1 triệu đồng/sào/năm”.
Ông Ngô Văn Được, Chủ tịch UBND xã Bình Lộc, cho biết, hàng năm Trạm BVTV thị xã đều phối hợp với xã tổ chức các lớp phòng trừ sâu bệnh cây trồng, nhưng chủ yếu cho cây chôm chôm, sầu riêng, điều, còn các cây trồng khác có lẽ vì diện tích không nhiều nên chưa được quan tâm. Toàn xã Bình Lộc hiện có trên 200 hécta sầu riêng, lợi nhuận thu được khoảng 50 triệu đồng/hécta/năm. Tính ra, tổng thu từ sầu riêng của xã khoảng 10 tỷ đồng/năm. Còn cây ổi của xã tuy diện tích có trên 60 hécta nhưng nếu đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật có thể cho lợi nhuận gấp 4 lần sầu riêng và tổng thu cũng gần tương đương với 200 hécta sầu riêng. Như vậy, thật là “bất công” khi ngành BVTV mới chỉ quan tâm phòng trừ sâu bệnh cho những cây có diện tích nhiều mà bỏ quên vùng ổi đặc sản của Long Khánh nói riêng và Đồng Nai nói chung.