Trong xã hội phát triển hiện nay thì chơi thú cưng thú cảnh ngày càng trở nên phổ biến. Ngoài các động vật quen thuộc như chó, mèo,.. thì kỳ đà hiện nay cũng được nuôi như một loại thú cưng. Tuy nhiên kỹ thuật nuôi kỳ đà ra sao thì không hẳn ai cũng biết.
Hãy cùng Niên Giám Nông Nghiệp tìm hiểu về loài động vật thú vị này cũng như mô hình nuôi kỳ đà hiệu quả nhé.
Mục lục nội dung
Tổng quan về kỳ đà
Nguồn gốc
Kỳ đà có tên khoa học là Varanus thuộc họ Varanidae. Trong Tiếng anh có tên là Monitor lizards có thể coi chúng như là một loài thằn lằn khổng lồ. Chúng có nguồn gốc từ Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương từ khoảng 65 triệu năm trước
Chúng cũng đã được du nhập vào châu Mỹ. Hiện nay, nơi chúng phân bố trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, kỳ đà được nuôi ở cả ba miền Bắc Trung Nam tuy nhiên gặp chúng nhiều hơn ở miền Nam.
Đặc điểm sinh học
Kỳ đà có nhiều loài nhưng nhìn chung chúng được bao phủ bởi các vảy. Chúng có màu từ xanh lá cây đến màu rám nắng, màu xám hoặc màu nâu. Chúng có thân hình to lớn, cổ dài và đuôi mạnh mẽ.
Các chi của kỳ đà phát triển tốt và chúng có móng vuốt khỏe. Chúng có lười tương đối dài và được chẻ đôi trông như lưỡi rắn, trăn. Kích thước trung bình là khoảng 2-3 mét nặng từ 10 tới 20 kg. Tuy nhiên cũng có những loài nhỏ chỉ dài 20 cm nhưng cũng có những loài lớn có thể nặng tới 50kg.
Hầu hết các loài kỳ đà đều sống trên cạn. Một số loài thì sống vừa trên cạn vừa dưới nước, một số loài khác sẽ sống ở trên cây. Kỳ đà là loài săn mồi tương đối hung dữ. Chúng sẽ quật đuôi khi bị khiêu khích. Đồng thời chúng sẽ phồng cổ họng và rít to.
Đa số kỳ đà sẽ săn mồi tích cực. Một số những con khác thích chờ đợi và phục kích con mồi của chúng. Chúng thường ăn thịt, ăn nhiều loại con mồi bao gồm chim, cá, côn trùng, động vật có vú nhỏ và trứng. Một số loài cũng ăn trái cây và một số loài thực vật khác.
Kỳ đà chủ yếu sống đơn độc. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đã được tìm thấy chúng tụ tập thành từng nhóm lớn tới 25 con ở những khu vực khan hiếm nước. Chúng không có nhiều giá trị trong lương thực như các động vật ăn thịt như lợn, trâu, bò,….
Mặc dù không có giá trị cao về mặt thực phẩm nhưng da và mật chúng lại có giá trị cao. Ngoài ra sự hủy hoại môi trường sống cũng là mối đe dọa chính đối với loài bò sát này. Khiến số lượng cá thể kỳ đà ở ngoài tự nhiên không nhiều.
Điều kiện thời tiết cần thiết để nuôi kỳ đà
Nhiệt độ
Ngoài tự nhiên, kỳ đà sống chủ yếu ở khu vực khí hậu nhiệt đới. Do đó nhiệt độ thích hợp nhất cho chúng phát triển là từ 30 oC tới 35 oC. Chúng là loài biến nhiệt giống như ếch nhái do đó nhiệt độ cơ thể kỳ đà rất dễ thay đổi theo thời tiết.
Kỳ đà chịu lạnh rất kém. Do đó mà hiện nay nuôi kỳ đà vẫn chủ yếu gặp nhiều ở miền Nam nước ta hơn. Miền Bắc do có mùa đông lạnh nên thường không nuôi được kỳ đà. Các biện pháp giúp kỳ đà tránh rét miền Bắc hiện tại vẫn đang được cải tiến.
Ánh sáng
Kỳ đà cần ánh sáng để phát triển. Đây là một đặc điểm giống với thằn lằn, chúng khá là ưa thích được phơi nắng. Trong khi nuôi kỳ đà hãy để chúng tại nơi có ánh sáng mặt trời chiếu tới vào một thời gian nhất định. Hoặc định kì mang chúng ra phơi nắng.
Thiếu ánh nắng sẽ khiến chúng kém phát triển và còi cọc. Tuy nhiên do chúng là loài biến nhiệt nên khi ánh nắng chiếu vào bạn cần chú ý, không để quá lâu có thể khiến chúng bị quá nóng, thân nhiệt cao ảnh hưởng tới khả năng phát triển.
Bạn có thể thay thế ánh sáng mặt trời bằng ánh sáng đèn điện. Bóng đèn chiếu nên có tỉ lệ phần trăm ánh sáng UV từ 8- 10%. Nên bật bóng đèn theo chu kì 10 tới 12 giờ mỗi ngày để bắt chước công suất của mặt trời.
Bạn nên thay bóng đèn sáu tháng một lần, ngay cả khi đèn không bị cháy hay hỏng. Các tia UV từ bóng đèn sẽ ngừng phát ra sau khoảng thời gian sáu tháng đó.
Độ ẩm
Tùy loài kỳ đà mà yêu cầu độ ẩm của chúng sẽ khác nhau. Nhiều loài yêu cầu môi trường nước bắt buộc để sinh sống. Trong khi đó một số loài khác lại thích môi trường thoáng mát hơn.
Nhưng nhìn chung, trong nuôi kỳ đà đều yêu cầu độ ẩm của môi trường khá cao. Chúng sẽ sinh trưởng và phát triển tương đối nhanh ở các khu vực nhiều ẩm và có thể đào hang. Tốt nhất độ ẩm nên đạt gần như 100 % thì càng tốt hoặc ít nhất cần trên 60%.
Chuồng nuôi kỳ đà
Hiện tại, mô hình nuôi kỳ đà hiệu quả nhất là nuôi trong chuồng. Chuồng để nuôi kỳ đà cần phải đảm bảo một số yêu cầu nhất định.
Kỳ đà là loại khá mạnh mẽ và chúng khá dễ trốn chạy. Khi làm lồng cho chúng hãy đảm bảo chuồng được bọc hoàn toàn và có khóa chắc chắn. Khi mua kỳ đà thông thường sẽ đi kèm với một chiếc lồng sắt vừa đủ cho chúng sống trong một tới hai năm.
Tuy nhiên khi kỳ đà trưởng thành bạn cần làm cho chúng một chiếc lồng to hơn. Yêu cầu tối thiểu của chuồng nuôi là phải dài ít nhất gấp đôi chiều dài của kỳ đà. Thông thường lồng sẽ dài khoảng 10 mét, rộng khoảng 5 mét và cao ít nhất 4 mét. Chuồng nuôi nên được đặt ở nơi thông thoáng và tránh gió lạnh.
Bạn có thể cho thêm một hai cành cây vào để trang trí cho chuồng. Hoặc đáp ứng nhu cầu muốn leo trèo của một số loài kỳ đà. Các loại đá hay cát to hạt có thể cho vào đáy chuồng để tạo một môi trường sống tương tự môi trường tự nhiên cho kỳ đà.
Nếu bạn làm chuồng bằng kính, hãy chọn các loại kính chắc chắn. Các móng vuốt của kỳ đà khá sắc chúng có thể cào kính khiến chúng trở nên xát khiến thẩm mỹ của chuồng không được đẹp.
Hiện nay những người nuôi kỳ đà thường xuyên thường chọn loại kính Plexiglas. Đây là loại kính khá chắc chắn. Ngoài ra bạn cũng nên lưu ý vị trí treo đèn. Nên treo đèn ở phía trên của lồng.
Cách nuôi kỳ đà và chăm sóc
Thức ăn của kỳ đà
Trong tự nhiên, thức ăn chủ yếu của kỳ đà là côn trùng và động vật không xương sống khác như dế, châu chấu, mối …. Trong điều kiện nuôi nhốt kỳ đà, bạn có thể mua các loại côn trùng cho kỳ đà tại chợ hay các cửa hàng bán côn trùng.
Tùy thuộc vào loại kỳ đà bạn đang nuôi cũng như kích thuốc của nó mà bạn có thể cung cấp thêm các thức ăn như cá, tôm, chuột nhỏ, gà con,… Tần suất cho ăn các động vật này thông thường sẽ là 1 tuần một lần tùy thuộc vào tình hình cụ thể mà bạn nuôi.
Chế độ ăn cho kỳ đà nên được đa dạng hóa để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho chúng. Không nên chỉ cung cấp cho một loại thức ăn duy nhất trong nhiều ngày. Điều này có thể khiến chúng thiếu dinh dưỡng kém phát triển.
Nước uống
Bạn nên để một máng nước lớn trong chuồng cho kỳ đà uống tự do. Nguồn nước cung cấp cho kỳ đà phải là nguồn nước sạch, tránh các nguồn nước ô nhiễm, các nguồn nước dễ nhiễm bệnh.
Vệ sinh chuồng nuôi
Phân nên được làm sạch tại chỗ mỗi ngày khỏi chuồng nuôi của chúng. Đặc biệt nếu bạn nuôi kỳ đà sống trong nước, nước nên được thay mỗi ngày. Vệ sinh toàn bộ lồng hai tuần một lần. Hãy tìm một nơi an toàn để nhốt kỳ đà khi đang dọn dẹp chuồng.
Các vấn đề sức khỏe có thể gặp trong nuôi kỳ đà
Bạn nên cho kỳ đà khám sức khỏe định kỳ mỗi tháng một lần. Bổ sung thêm các loại vitamin A, B, D,… theo yêu cầu của bác sĩ thú y.
Nhìn chung kỳ đà khá khỏe mạnh. Tuy nhiên chúng có thể gặp một số vấn đề như nhiễm ký sinh trùng. Nguyên nhân chủ yếu là đến từ nguồn thức ăn không đảm bảo. Khi bị nhiễm chúng thường chậm chạp, chán ăn và nôn mửa. Nếu không được điều trị kịp thời có thể khiến chúng bị chết.
Ngoài ra giống như nhiều loài bò sát chúng có cũng dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp. Bạn có thể nhận biết điều này khi kỳ đà thở há miệng, thở khò khè và có chất nhầy trong miệng.
Kỳ đà cũng có thể mắc các bệnh liên quan tới xương, chuyển hóa xương. Nguyên nhân chủ yếu là do không cung cấp đủ ánh sáng cho chúng phát triển cũng như thiếu hụt canxi và vitamin D.
Kỳ đà giá bao nhiêu?
Tùy từng loài kỳ đà mà giá của chúng sẽ có sự khác nhau. Kỳ đà hoa để mua về nuôi có giá dao động từ 1.2 tới 1.5 triệu đồng trong khi đó kỳ đà vân sẽ nhỉnh hơn một chút từ 1.5 tới 2 triệu đồng cho mỗi con.
Với những con trưởng thành hoặc những con ngoài tự nhiên thì còn được mua với giá rất cao. Kỳ đà hoa trưởng thành với cân nặng từ 20 kg trở lên có thể có giá lên tới 40-50 triệu đồng. Còn kỳ đà ngoài tự nhiên hiện nay đã được đưa vào sách đỏ và cấm săn bắt, mua bán.
Chi phí nuôi kỳ đà ban đầu và mỗi tháng là bao nhiêu?
Chi phí nuôi kỳ đà tính ra không quá tốn kém. Đầu tư ban đầu cho kỳ đà ngoài giống thì cần có chuồng nuôi và bóng đèn. Ngoài ra là chi phí thức ăn cung cấp cho kỳ đà mỗi ngày và chi phí chăm sóc sức khỏe định kì cho chúng.
Tùy vào từng loại chuồng mà chi phí làm chuồng có thể khác nhau. Các chuồng gỗ giá sẽ rẻ hơn từ khoảng 800 nghìn đồng tới 1 triệu đồng. Trong khi các chuồng kính thì có thể lên tới 2 triệu đồng cho mỗi chuồng.
Bóng đèn đèn cho kỳ đà thường phải là các loại có phát ra tia UV. Các bóng đèn loại này có thể mua tại các cửa hàng đồ điện. Giá của chúng sẽ nhỉnh hơn đèn bình thường, dao động từ 80 tới 120k/ bóng.
Kỳ đà là loại ăn tạp và không yêu cầu quá cầu kì về thức ăn. Do đó thức ăn của chúng khá dễ mua với giá dao động từ 100-120k/ kg. Trong một tháng chúng sẽ chỉ ăn hết khoảng từ 600 tới 800 nghìn đồng thức ăn.
Kỹ thuật nuôi kỳ đà không quá khó. Tuy nhiên nó vẫn đòi hỏi người nuôi cần có những kiến thức nhất định. Hy vọng những chia sẻ trên đây của Niên Giám Nông Nghiệp sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn may mắn và thành công
Theo: Biển Lặng