Bưởi diễn là loại đặc sản có vị ngọt thanh, mùi thơm dễ chịu. Không chỉ là một loại ăn quả tốt cho sức khỏe mà từ lâu bưởi diễn đã không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết đặc biệt là của người dân miền Bắc. Nhưng cách trồng và phòng bệnh cho bưởi diễn thì không phải ai cũng biết.
Hãy cùng Niên Giám Nông Nghiệp tìm hiểu nhé.
Mục lục nội dung
Đặc điểm của bưởi diễn
Lịch sử
Bưởi diễn có danh pháp khoa học là Citrus grandis trong tiếng anh gọi là pomelo. Bưởi diễn thuộc họ Cam quýt và là loại có múi lớn nhất trong họ này. Chúng có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á.
Ở nước ta, từ xa xưa bưởi diễn là một loại thượng phẩm dâng lên vua. Hiện nay bưởi diễn rất phổ biến và được bán khắp cả nước. Đặc biệt là vào những ngày giáp Tết không khó để nhìn thấy những hàng bưởi diễn vàng khắp các con đường, các ngõ chợ.
Thực vật
Bưởi diễn là cây lâu năm. Bưởi diễn càng lâu năm thì quả cho sẽ càng mọng và ngọt. Cây bưởi khá cao, trung bình từ 5 tới 15 mét. Cây có thân cong queo, phân nhiều nhánh, không đều.
Lá bưởi diễn là dạng lá đơn hình trứng thuôn dài 5-20 cm, rộng 2-12 cm. Lá có màu xanh hơi xám, mặt bóng ở bên trên và có lông nhỏ bên dưới lá. Trong lá có các tuyến chứa dầu do đó khi vò nát lá bưởi bạn sẽ thấy một mùi thơm thoang thoảng.
Hoa có mùi thơm, màu trắng hơi vàng, dài 1,5-3,5 cm. Hoa là loại đơn tính. Mỗi lần bưởi nở hoa là bạn có thể thấy rất nhiều ong bướm đến nhờ mùi hương dễ chịu. Quả bưởi diễn tương đối lớn.
Đường kính trung bình của quả là khoảng 15 tới 25 cm tường nặng khoảng từ 600g tới 2kg. Nó có lớp vỏ màu xanh và khi chín chuyển sang màu vàng. Lớp vỏ chứa rất nhiều tinh dầu.
Sau lớp vỏ là lớp màu trắng tương đối dày, thông thường có vị đắng và không được sử dụng nhiều. Bưởi diễn có khoảng 10-12 múi có vị ngọt thanh, mọng nước. Quả thường chứa tương đối nhiều hạt bao gồm hạt lép và hạt mẩy. Hạt có nhiều cạnh màu trắng xám.
Điều kiện trồng bưởi diễn
Ánh sáng
Giống như tất cả các cây ăn quả nói chung như nhãn, cam, vải,.. bưởi diễn cần có đủ ánh sáng để phát triển. Chúng là loài cây không thích hợp để trồng trong nhà. Nên trồng chúng tại những nơi có đủ ánh sáng.
Mặc dù chúng có thể sống trong điều kiện thiếu ánh sáng một phần. Tuy nhiên, thiếu ánh sáng sẽ khiến bưởi diễn kém phát triển, không hoặc ít ra hoa, ra quả. Do đó khi trồng nên chọn những nơi quang đãng tránh trồng dưới tán các cây khác.
Nhiệt độ
Bưởi diễn là loài cây nhiệt đới, do đó khí hậu Việt Nam rất thích hợp để trồng loài cây này. Nhiệt độ thích hợp cho bưởi diễn phát triển là khoảng từ 20 tới 30 oC.
Đất và vị trí trồng
Bưởi diễn có thể trồng ở nhiều loại đất. Tuy nhiên tốt nhất nên trồng ở đất tơi xốp, có độ phì nhiêu cao, giàu mùn. Đất nên là các loại đất thịt, hoặc đất thịt pha cát, đất phù sa ven sông. Độ pH trong khoảng từ 5.5 đến 6.5 sẽ thích hợp cho trồng bưởi diễn.
Ngoài ra bưởi diễn rất nhạy cảm với tình trạng úng nước, do đó đất phải thoát nước tốt để tránh thối rễ. Vị trí trồng bưởi nên là ở khu vực đất bằng phẳng có hệ thống thoát nước dễ dàng, không bị ứ đọng nhất là khi trời mưa.
Với những vùng đất thoát nước không tốt nên tiến hành tạo rãnh sâu khoảng từ 20 tới 30 cm tránh ứ đọng nước. Những vùng đất trũng mà muốn trồng bưởi diễn nên tạo thành các mương sâu từ 50cm tới 100 cm.
Vị trí trồng bưởi diễn cũng nên được bố trí gần các nguồn nước. Hoặc có thể tiến hành xây dựng hệ thống ống dẫn nước tới từng khu trồng bưởi diễn. Ngoài ra trong vườn trồng nên có những bể chứa nước khi nguồn nước ở xa vườn trồng.
Đất nên được làm sạch cỏ và làm tơi xốp trước khi trồng. Có thể phơi ải đất dưới ánh sáng mặt trời trong vòng vài ngày để loại bỏ bớt mầm bệnh có trong đất. Nếu đất chưa đạt độ tơi xốp cũng như độ phì nhiêu nhất định tiến hành bổ sung thêm dinh dưỡng cho đất.
Cách trồng bưởi diễn
Cách nhân giống
Có nhiều cách trồng bưởi diễn như trồng từ hạt, trồng từ cành chiết hay ghép cây,.. Nhưng hai cách phổ biến nhất là trồng từ hạt và trồng từ cành ghép.
Trồng từ hạt
Hạt bưởi diễn tương đối dễ trồng. Sau khi lấy hạt từ quả chỉ cần để cho hạt khô lớp vỏ bên ngoài là có thể tiến hành trồng. Tiến hành gieo hạt xuống đất giàu dinh dưỡng cách mặt đất khoảng chừng 0.5 cm tới 1 cm.
Sau đó tiến hành tưới theo kiểu phun sương mỗi ngày. Khi gieo hạt nên tiến hành che chắn cho chúng tránh mưa đặc biệt là vào mùa hè có thể làm trôi đất, trôi mất hạt giống. Hạt có thể dễ dàng nảy mầm sau vài ngày.
Cây bưởi diễn trồng từ hạt thường thái hóa, cho cây không giống cây mẹ. Do đó người ta thường không chú trọng việc chọn hạt giống mà sau khi cây con mọc lên được khoảng 50 cm tới 100 cm sẽ tiến hành ghép cây chuẩn giống bưởi diễn.
Trồng từ cành chiết
Trồng bưởi diễn từ cành chiết là cách được nhiều người nông dân lựa chọn. Đây là cách cho cây đúng chuẩn giống so với cây mẹ. Đồng thời, thời gian phát triển cũng nhanh hơn so với quá trình trồng cây từ hạt.
Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là khó trồng với số lượng lớn. Do mỗi cây bưởi diễn chỉ chiết được một số có hạn các cành. Nếu chiết quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới quả năng phát triển của cây mẹ vào mùa quả kế tiếp.
Cách chăm sóc bưởi diễn
Tưới nước
Bưởi diễn là loại tương đối nhạy cảm với tình trạng ẩm. Chúng là loài ưa thích độ ẩm cao do đó bạn nên tưới cho bưởi ít nhất một tuần một lần vào sáng sớm hoặc chiều tối. Tần suất tưới nước có thể tăng thêm hoặc giảm đi theo điều kiện thời tiết.
Quá khô hay quá ẩm đều ảnh hưởng tới sự phát triển của quả. Trong khi khô có thể khiến quả ít nước, khô cùi, khô lá. Quá ẩm có thể khiến cây rụng hoa, rụng quả, thối rễ và thậm chí chết cây nếu chúng bị ngập úng trong thời gian ngắn.
Khi tưới nước cần lưu ý phải tưới thật đều và sâu. Tránh tưới bề mặt quá nhanh khiến chúng không kịp thấm sâu vào gốc mà tràn ra ngoài. Để khắc phục tình trạng này người nông dân đa số đều tạo bầu cho mỗi cây bưởi.
Ngoài ra nên chú ý bổ sung nước đầy đủ vào các giai đoạn phát triển quan trọng của cây. Như lúc vừa thu hoạch xong để giúp phân nhanh chóng theo dòng nước ngấm vào đất cung cấp dinh dưỡng cho cây. Trước khi ra hoa, trước khi ra quả cũng là thời điểm nhạy cảm bạn cũng cần cung cấp đủ nước cho chúng.
Bón phân
Cây bưởi diễn cần nhiều dinh dưỡng để sinh trưởng và phát triển. Do đó sau mỗi vụ quả bạn nên tiến hành bổ sung thêm phân hữu cơ cho cây. Tiến hành tạo rãnh xung quanh gốc bưởi diễn, chiều sâu trung bình từ 10 tới 15 cm.
Đường kính vòng rãnh sẽ phụ thuộc vào gốc bưởi, gốc càng to thì cần tạo rãnh càng lớn. Thông thường vòng rãnh sẽ khoảng rộng bằng tán hoặc nhỏ hơn đường kính tán cây khoảng 10 cm tới 20 cm. Với các cây bưởi diễn 2 năm tuổi thì nên tạo vòng rãnh khoảng đường kính khoảng 30cm – 40 cm.
Nên để đất khô trong khoảng 1-2 ngày sau đó tiến hành rải phân hữu cơ, phần chuồng, phân vi sinh,.. cho cây. Vùi đất lại, thông thường nên vùi cao hơn mặt đất để đồng thời tạo thành bầu cho cây.
Nếu không có phân hữu cơ, phân vi sinh có thể thay bằng các loại phân hóa học như ure, phân lân, NPK,.. Nhưng tốt nhất nên dùng phân hữu cơ để đồng thời tiến hành cải tạo đất, tăng độ tơi xốp.
Trước khi cây ra hoa khoảng một tháng nên tiến hành bón phân NPK hoặc các loại phân giàu kali để thúc đẩy quá trình ra hoa đồng đều và nhiều hoa hơn. Sau khi cây đậu quả thì nên bón các loại phân giàu đạm để kích thích quả phát triển cũng như ngăn ngừa khả năng rụng quả.
Trước khi thu hoạch một tháng, nên bón phân giàu kali để tăng độ ngọt cho quả. Do đó ít nhất trong một năm phát triển của bưởi diễn bạn nên bón phân cho chúng khoảng 4 lần.
Tỉa cây
Việc tỉa cây với bưởi diễn không quá quan trọng nhưng nên được tiến hành sau mỗi vụ thu hoạch quả. Tiến hành loại bỏ các cành yếu kém, cành sâu bệnh và tạo tán cho cây. Việc này sẽ giúp cây phát triển theo một định hướng và trở nên dễ thu hoạch ở mùa sau hơn.
Các bệnh có thể gặp và cách phòng bệnh cho bưởi diễn
Bưởi diễn là một trong những loại cây tương đối bị gây hại bởi các loại như rệp đỏ, sâu vẽ bùa, thán thư, sương mai các loại sâu đục quả,… Do đó việc phòng bệnh cho bưởi diễn là một việc hết sức quan trọng.
Sâu vẽ bùa
Loài gây hại này gặp phổ biến ở hầu hết các loại cây nhà cam quýt nói chung. Chúng chủ yếu sinh sống ở loại lộc non, tạo thành các đường vẽ ngoằn ngoèo trên lá như những lá bùa. Chúng khiến lá non quăn lại và kém phát triển.
Chúng ta có thể phòng trừ loài sâu hại này bằng cách tiến hành phun phòng khi cây vừa nhú lộc và khi cây nhú lộc được khoảng 2m. Trên thị trường có nhiều loại thuốc như Polytrin, Celecron,… Bạn tiến hành pha đúng liều lượng ghi trên nhãn và phun cho bưởi.
Loét
Đây là loại bệnh khá phổ biến thường gặp ở giai đoạn sinh trưởng của bưởi diễn. Chúng thường gây nên các vết loét ở thân và lá, tình trạng nặng có thể gây chết lá và cây bưởi. Do đó bạn nên phun phòng trừ loại bệnh này trước khi vào mùa mưa.
Các loại thuốc trên thị trường phổ biến để phòng trừ loại bệnh này như kocide, boocdo, oxyclorua đồng. Liều lượng bạn cũng nên phun theo như khuyến cáo ghi trên nhãn và tiến hành phun thành 1-2 lần.
Ngoài ra, bệnh này hay xuất hiện đồng thời hoặc sau sâu vẽ bùa. Nên việc phòng trừ sâu vẽ bùa từ đầu là rất quan trọng. Vì nếu bị sâu vẽ bùa thì thường sẽ kéo theo tình trạng loét lá và thân khá nặng.
Giá của bưởi diễn
Giá của bưởi diễn dao động theo năm. Trong những năm gần đây giá bưởi diễn ngày càng rẻ hơn. Trung bình hiện tại bưởi diễn được bán với giá khoảng từ 10k tới 20k/ quả. Vào dịp Tết giá có thể nhỉnh hơn đôi chút.
Cách trồng và phòng bệnh cho bưởi diễn không hề phức tạp. Hy vọng với những chia sẻ về cách trồng và phòng bệnh cho bưởi diễn của Niên Giám Nông Nghiệp sẽ giúp cho bạn có những cây bưởi diễn khỏe mạnh và sai trĩu quả. Chúc bạn may mắn và thành công.
Theo: Biển Lặng