Khế là một loài cây ăn quả quen thuộc với người dân Việt Nam. Nó xuất hiện từ rất lâu trong câu chuyện dân gian “Ăn khế trả vàng”. Tuy nhiên làm sao nhân giống cây khế thì không phải ai cũng biết.
Tương tự như nhiều ăn quả có thân gỗ như cam, chanh, bưởi, để nhân giống khế có khá nhiều cách như ươm hạt, ghép cành, chiết cành,… Hôm nay Niên giám sẽ giới thiệu cho bạn một trong những cách nhân giống loài cây này hiệu quả nhất đó là chiết cành khế.
Mục lục nội dung
Tổng quan về cây khế
Để có thể chiết cành hiệu quả và đúng thời điểm, chúng ta hãy tìm hiểu sơ qua về đặc tính cây khế nhé.
Nguồn gốc
Khế có danh pháp khoa học là Averrhoa carambola tên Tiếng anh là star fruit dịch ra là quả sao. Chúng có cái tên này có lẽ vì đặc điểm quả của chúng, khi cắt ngang sẽ có hình dạng giống ngôi sao năm cánh.
Khế được cho là có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Chúng ưa thích khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới ấm áp. Hiện nay chúng phân bố nhiều ở Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan,…
Thực vật
Cây khế có chiều cao trung bình cỡ từ 7 tới 10 mét. Tán rộng mọc đơn hoặc nhiều thân. Cây khế thường xanh nhưng có thể rụng lá vào mùa đông đầu mùa xuân. Lá của chúng mọc thành chùm màu xanh lục xếp xen kẽ
Hoa khế mọc thành chùm trên cành cây. Những bông hoa nhỏ màu hồng phớt đến hơi tím. Chúng có 5 cánh hoa và kiểu dáng dài ngắn tùy thuộc mỗi loại khế.
Quả là một quả mọng có 5 múi. Vỏ quả mỏng, thịt quả màu xanh khi chín thường chuyển màu vàng nhạt đến đậm. Quả khế giòn, không có xơ vị từ chua đến ngọt. Hạt quả nhỏ thường có màu nâu nhạt và có thể ăn được.
Cách chiết cành khế
Tương tự như xoài việc chiết cành khế nên thực hiện khi cây bắt đầu một mùa phát triển mới. Khế thường bắt đầu phát triển vào mùa xuân và ra hoa kết trái vào mùa thu. Do đó thời điểm tốt nhất để chiết cành khế là vào cuối mùa xuân đầu hè.
Việc xác định đúng thời điểm chiết cành sẽ giúp cho cây phát triển tốt, cành chiết nhánh ra rễ. Đồng thời cũng đảm bảo mùa vụ. Không nên chiết cây vào thời điểm cây ra hoa hoặc ra quả. Chiết thời điểm này vừa ảnh hưởng tới năng suất vừa khiến cây kém phát triển.
Thời điểm mùa đông cây cũng kém phát triển và thời tiết đặc biệt ở miền Bắc nước ta thường khá lạnh. Do đó cũng không nên chiết cây vào thời điểm này.
Chuẩn bị dụng cụ
Các dụng cụ để chiết cành khế thường đơn giản và không yêu cầu nhiều. Các dụng cụ bao gồm dao sắc, đất bó cây, mảnh nilong bó cây, dây lạt hoặc dù, kéo hoặc cưa cắt tỉa cành. Nếu có điều kiện bạn nên khử trùng bằng cồn với sao và kéo.
Chọn cây và cành chiết
Hiện nay có rất nhiều loài khế với các đặc tính khác nhau như khế chua, khế ngọt và nhiều loài khế lai khác. Bạn nên chọn những loại phù hợp với điều kiện trồng trọt cũng như sở thích ăn khế của bạn.
Về cành cây bạn nên chiết cành từ những cây khế tươi tốt, còn xanh đang phát triển không có dấu hiệu sâu bệnh. Các cây khế nên có độ tuổi ít nhất là trên 1 năm. Bạn cũng nên chọn những cây đã từng ra trái ít nhất một mùa để đảm bảo giống cây cũng như đúng loại khế bạn mong muốn.
Với những cây khế đã già hơn, bạn chỉ nên chiết những cành còn trẻ. Các cành có đường kính khoảng từ 1 cm tới 1.5 cm và dài khoảng 60 cm là hợp lý để chiết. Nên chọn những cành ở cao để chiết sẽ giúp giảm chiều cao của cây, tạo điều kiện thuận lợi để thu hoạch.
Bạn cũng nên làm thông thoáng các cành chiết trước khi bắt đầu. Dùng kéo hoặc cưa tỉa bớt cành yếu, cành già cỗi. Điều này vừa giúp bạn dễ thao tác trong chiết cành vừa giúp cây thông thoáng tập trung cho phát triển cành chiết.
Lột vỏ
Bước tiếp theo đó là khoanh và lột vỏ. Vào những ngày mưa sẽ dễ lột vỏ hơn do chúng tăng dòng lưu thông từ gốc lên ngọn. Dùng dao sắc rạch hai đường quanh cành cách nhau một khoảng 2cm.
Tiếp tục cắt vuông góc qua vỏ cây giữa hai vết cắt này. Sau đó bóc vỏ giữa hai vết cắt đó. Nếu có thời gian bạn nên để vết cắt một tới hai ngày cho khô lại rồi mới tiến hành bó đất. Tuy nhiên nếu để vết cắt bạn nên bọc chúng lại bằng nilong để tránh sự phát triển của vi sinh vật và nấm.
Có một cách khác nữa để có thể bó luôn bầu đó là dùng dao cùn cạo một lớp mỏng sau khi bóc vỏ. Tuy nhiên cách này yêu cầu bạn có một số kĩ năng nhận biết nhất định. Nếu cạo quá sâu có thể khiến cành kém phát triển thậm chí chết.
Các chuyên gia nông nghiệp khuyên rằng bạn nên dùng thuốc kích thích ra rễ bôi vào vết cắt để cành ra rễ tốt hơn. Chấm một ít thuốc kích thích rễ vào bông gòn và bôi vào chỗ lột vỏ trước khi bó bầu.
Việc cạo hay để vết bóc vỏ một thời gian sẽ làm gián đoạn dòng chảy của nước và chất dinh dưỡng từ rễ cây đến cuối cành. Bạn hãy nhớ làm cho vết cắt thật sắc và gọn gàng. Đây là vị trí mà rễ mới sẽ bắt đầu phát triển.
Bó bầu
Đất dùng để bó cành chiết nên là đất thịt giàu dinh dưỡng, hoặc đất pha cát và có khả năng giữ nước tốt. Thông thường các nhà nông sẽ thêm ít rơm băm nhỏ, mùn và một chút phân hữu cơ.
Sau đó làm ướt hỗn hợp bằng nước đến khi có thể nặn đất thành những hình gần cầu kích thước cỡ bằng nắm tay. Bạn cũng có thể thêm một ít thuốc kích rễ để trộn cùng sẽ khiến cây ra rễ nhanh hơn. Số lượng bầu tương đương số cành bạn chiết, không nên làm thừa tránh lãng phí.
Bầu đất đã tạo tròn sẵn có thể đem đi bó cây. Bạn nên tách đôi bầu đất, để cành khế đã lột vỏ vào giữa sau đó nặn bầu đất cố định lại tại vị trí đó.
Buộc nilong và cố định
Bước tiếp theo đó là bọc bầu đất đó lại. Bạn nên dùng nilong trong để dễ quan sát khi chúng mọc đủ rễ. Kích thước tấm nilong phụ thuộc vào kích cỡ bầu đất nhưng thông thường sẽ là hình vuông có kích thước khoảng 20cm x 20cm hoặc 30cm x 30cm.
Bọc tấm nilong quanh bầu đất và buộc chặt hai đầu bằng lạt hoặc dây dù. Vậy là xong quá trình chiết. Việc ra rễ của khế thường sẽ nhanh hơn xoài. Thông thường sẽ là sau vài tuần đến 3 tháng.
Những chú ý khi chiết cành khế
Sau khi chiết cành bạn cần chú ý tới cành chiết. Đặc biệt là vào mùa hè ở miền Bắc thường có mưa gió nhiều. Sau mỗi trận mua bạn nên kiểm tra lại xem bầu đất có bị vỡ hay gãy gì không.
Nếu bầu cây bị vỡ hãy nhanh chóng bó chúng lại chắc chắn. Nếu bầu cây có dấu hiệu nước đọng quá nhiều thì bạn nên tạo những lỗ nhỏ để có thể giúp chúng thoát bớt nước, tránh hỏng những rễ mới.
Tuy nhiên, khi đã tạo những lỗ nhỏ này rồi thì những ngày nắng nhi ánh nắng trực tiếp chiếu vào quá nhiều, bạn nên che phủ cho nó. Những ngày mưa nhiều có thể có nước đọng trong bầu cây. Hãy tạo một lỗ nhỏ để thoát nước.
Khi bạn đã tạo những lỗ nhỏ thì vào những ngày nắng liên tục thì bầu cây có thể cần tưới thêm nước để không bị khô. Còn nếu bạn không tác động gì vào bầu cây và bó chúng đủ chặt thì không cần cung cấp thêm nước mà chúng đủ để giữ ẩm cho tới khi bầu cây ra rễ.
Trồng cây khế con
Sau vài tuần bạn có thể nhìn thấy những chiếc rễ mới bắt đầu mọc. Thông thường sau khoảng 3 tháng là có thể cắt cành và đem đi trồng.
Bạn nên cắt cây ngay bên dưới bầu, cắt mạnh và dứt khoát bằng kéo hoặc cưa sắc. Cây con lúc này còn khá yếu bạn nên trồng cây trong vườn ươm trước khi để chúng ra ruộng vườn.
Sau khi cắt cành, tháo nhẹ nhàng lớp bọc nilong ra tránh làm hỏng rễ, có thể gỡ bớt đất bầu cây đi. Tạo một hố đường kính khoảng 20 cm sâu khoảng 30 cm rồi trồng cây con mới vào.
Cây con mới rễ còn chưa ổn định do đó bạn nên trồng nó tại khu vực bóng râm. Tránh khu vực nhiều gió hay nắng trực tiếp. Có thể cung cấp thêm nhiều phân cũng như thuốc kích rễ cho cây mau phát triển.
Thông thường cành cây sẽ được giâm vào cuối hè cho tới mùa xuân năm sau. Khi đó cây khế đã đủ chắc chắn để có thể trồng ra ngoài ruộng vườn. Đồng thời đây cũng là mùa ấm áp với những điều kiện nắng mùa phù hợp cho sự phát triển của cây khế.
Sử dụng quả khế
Toàn bộ quả khế có thể ăn được, thường sẽ bỏ cạnh khi ăn. Quả khế thường được hái khi còn hơi xanh sẽ chuyển sang màu vàng khi bảo quản ở nhiệt độ phòng. Một điểm đặc biệt là chúng không tăng hàm lượng đường. Khế chín quá sẽ có màu vàng với các đốm nâu và có thể trở nên nhạt hơn.
Kể cả các loại khế ngọt khi chín đầu không bị ngấy vì chúng có lượng đường không quá 4%. Hương vị của chúng rất đặc biệt nhiều người nói rằng khế là sự kết hợp của các loại táo, lên, cam, nho. Các loại khế chua thường rất chua, sẽ khiến bạn không thể nào quên khi đã nếm thử.
Khế chín cũng có thể dùng để nấu ăn đặc biệt là các loại khế chua. Ở Việt Nam, Trung Quốc, chúng được nấu với cá và có tác dụng khử mùi tanh các rất tốt. Ở châu Âu chúng có thể được nấu chín như một loại rau, ngâm chua hoặc làm mứt.
Nước ép từ khế cũng là loại thức uống thanh mát. Ở Ấn Độ, nước trái cây được đóng chai để uống. Trong khi ơ Philippines, người ta dùng khế như một loại gia vị.
Khế chứa nhiều chất dinh dưỡng như carbohydrate, protein, và rất ít chất béo. Do đó nó là một loại trái cây tuyệt vời cho những ai muốn giảm cân. Ngoài ra khế còn cung cấp nhiều calo và có hàm lượng vitamin C phong phú.
Cách chiết cành khế không hề khó, nhưng nó sẽ khiến bạn bối rối nếu không biết một số kĩ thuật cơ bản. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn may mắn và thành công.
Theo: Biển Lặng