Cách trồng Lạc ở miền Bắc cho năng suất cao

Lạc là một trong những loại cây được trồng rộng rãi ở nước ta. Nó không chỉ là món ăn ngon, giàu chất dinh dưỡng mà còn được sử dụng để làm ra dầu. Vậy cách trồng loại cây này thế nào để cho năng suất cao nhất. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Nguồn gốc của cây lạc

đậu phộng sau khi chế biến

Cây lạc hay còn được gọi là đậu phộng. Nó có nguồn gốc từ Trung Mĩ và Nam Mỹ. Rất nhiều năm trước đã được du nhập vào nước ta. Hiện nay lạc đã được trồng ở rất nhiều nơi, dọc từ Bắc và Nam. Việt Nam có diện tích trồng lạc đứng thứ 5 trong các nước Châu Á.

Đặc điểm của cây lạc

Có thể bạn đã từng nghe đến cây lạc hoặc cũng đã được thưởng thức hương vị của củ lạc. Tuy nhiên có thể bạn lại chưa biết về đặc điểm của cây lạc. hãy cùng tìm hiểu nhé!

Đặc điểm hình thái

Lạc là loại cây thuộc họ thân thảo đứng, có vòng đời sống hằng năm. Chiều cao trung bình của cây lạc khoảng 30-100cm. Loại cây này có thân phân từ gốc và toả ra các nhánh khác nhau. Phụ thuộc vào từng điều kiện và loại đất mà các đặc điểm bên ngoài này có thể thay đổi. 

Rễ lạc thuộc loại rễ cọc. Đồng thời cũng có rất nhiều rễ phụ và rễ cộng sinh. Trong rễ lạc có vi khuẩn tạo thành các nốt sần cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.

Lá cây thuộc loại lá kép, mọc đối xứng nhau. Có 4 lá chét, mỗi lá dài từ 4cm đến 7 cm. Hoa lạc mọc thành từng cụm, mỗi cụm lại có khoảng 2 đến 4 hoa nhỏ. Cuống hoa dài khoảng 3cm. Hoa có màu vàng tươi, gân hoa có màu đỏ.

Sau khi hoa được thụ phấn, cuống hoa sẽ dài ra cho đến khi chạm xuống đất. Lạc sau đó sẽ phát triển trong đất. Củ lạc có hình dạng thuôn dài, mỗi củ có chứa từ 1-4 hạt.

Dinh dưỡng có trong lạc

Trong lạc có chứa hàm lượng chất béo khá cao, khoảng 44-56%. Những chất béo này hầu hết ở dạng đơn chức, một số ở dạng đa chức. Ngoài ra trong lạc cũng chứa một hàm lượng canxi lớn. Từ đó giúp thúc đẩy sự phát triển của xương, răng hiệu quả. Đây cũng là loại thực phẩm giàu protein mà chúng ta nên bổ sung.

Nên xem:   Bưởi Diễn bị lấm tấm mắt cua trên lá

Một số ứng dụng từ hạt lạc

Lạc có rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống của chúng ta. Điển hình như:

  • Tác dụng chữa bệnh: lạc được coi là một trong những vị thuốc có tác dụng chữa một số bệnh. Nó có khả năng nhuận phế, giảm ho, cầm máu, chống oxy hoá,….
  • Ngoài ra lạc cũng được sử dụng để ép dầu. Loại dầu này có khả năng chống xơ vữa động mạch và mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ của con người.
  • Hạt lạc còn được sử dụng làm thực phẩm, làm đồ ăn và được con người yêu thích.

Thời vụ trồng lạc cho năng suất cao

Thời gian trồng lạc cũng là điều rất quan trọng để cho năng suất cao. 

Đối với những vùng đất đồng bằng

Đối với những vùng đất đồng bằng phù sa màu mỡ thì thời vụ đông xuân là khoảng thời gian thích hợp nhất để trồng lạc. Lúc này nước đã rút và để lại lớp dinh dưỡng dồi dào. Khi đến khoảng tháng 4 dương lịch là các bạn đã có thể thu hoạch lạc. 

Đối với đất núi

Đối với những nơi có địa hình dốc, sườn núi thì các bạn cần trồng khi mùa lũ qua đi. Tránh việc xói mòn làm hỏng cây. Thời gian thích hợp nhất là khoảng tháng 11 dương dịch. Đối với vụ thu đông thì chỉ nên trồng ở những nơi có khả năng thoát nước tốt. 

Đặc điểm đất trồng lạc ở miền Bắc

Nếu đất trồng không tốt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng của lạc. Một số yếu tố cần thiết của đất trồng lạc như sau:

  • Đất có pH acid, nằm trong khoảng từ 5.5 đến 6.5. Ở pH này đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn nốt sần có thể sinh trưởng và phát triển tốt. 
  • Đất phải tơi xốp, mềm để rễ có thể đâm sâu, chứa nhiều chất dinh dưỡng. Đặc biệt phải có khả năng thoát nước tốt.
  • Một trong những loại đất cho lạc phát triển tốt nhất đó chính là đất cát.

Kỹ thuật trồng lạc cho hiệu quả cao

Trồng lạc miền băc cho năng suất

Ngoài những yếu tố trên thì kỹ thuật trồng cũng là nhân tố quan trọng quyết định đến sự thành công của việc trồng lạc. Một số kỹ thuật bắt buộc phải có mà các bạn nên biết:

Làm đất 

Đất càng làm kỹ thì càng tốt cho cây. Mặc dù đất trồng lạc cũng không quá khắt khe nhưng bạn cũng nên chọn những loại đất thích hợp. Những loại đất kiềm sẽ không phù hợp để trồng lạc. Một số đất thích hợp như: đất thịt nhẹ, đất cát, đất có pH từ 5.5-6.5.

Nên xem:   Cách khắc phục cây cau không có quả như thế nào?

Trước khi trồng các bạn cần vun cho luống cao khoảng 20cm, độ rộng của luống khoảng 80cm. Việc này giúp cho cây có thể thoát nước tốt. Đồng thời việc dọn cỏ dại cũng cần được tiến hành trước khi vào vụ mới. Việc này giúp loại bỏ sâu bệnh, ấu trùng gây hại từ vụ trước.

Chọn lạc giống

Lạc giống các bạn có thể lấy từ những vụ trước hoặc cũng có thể mua từ các cửa hàng chuyên bán hạt giống. Lạc lấy giống nên là những củ có kích thước vừa phải, không quá non nhưng cũng không quá già. Đặc biệt những hạt này không được nhiễm sâu bệnh. 

Trước khi gieo các bạn cần ngâm lạc trong nước khoảng nửa ngày. Nếu gieo vào vụ rét, các bạn cần ngâm lạc trong nước ấm khoảng 45 độ C. Tiếp đó tiến hành ủ cho đến khi hạt nảy mầm thì mang đi gieo. Lưu ý không để mầm quá dài.

Việc ủ lạc cũng không quá khó khăn. Các bạn chỉ cần cho lạc vào quần áo cũ, vải cũ, gói lại thành nhiều lớp. Để ở nơi thoáng mát hoặc để trong nhà tắm. Trước khi gieo hạt các bạn cần tạo rãnh hoặc hốc để gieo hạt. Phủ một lớp đất cát lên trên bề mặt sau khi gieo và tưới nước. Một số hạt giống thường được người nông dân dùng như: L14, VD2, L18,…

Cách chăm sóc lạc sau khi trồng

Trồng lạc rất quan trọng nhưng việc chăm sóc cây sau khi gieo cũng là một việc làm không thể thiếu. Hãy cùng tìm hiểu xem chúng ta cần làm gì nhé!

Tưới nước cho lạc

Chú ý tưới nước đều đặn cho lạc vào những ngày thời tiết khô hanh. Tuy nhiên không nên tưới quá nhiều khiến cây bị úng, gây chết rễ.

Bón phân cho cây lạc

Trong suốt quá trình trồng lạc chúng ta cần bón thúc 2 lần để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt nhất. 

Thời kỳ bón

Lần đầu tiên là khi lạc đã phát triển đến giai đoạn có 3 lá thật. Liều lượng phân bón mà chúng ta cần dùng đó là từ 20 đến 25kg /sào. Song song với việc bón phân chúng ta cũng cần loại bỏ bớt cỏ dại.

Lần bón thúc thứ 2 là khi cây đã có từ 7 đến 8 lá thật. Lúc này bạn nên tưới quanh gốc, không nên tưới trực tiếp lên lá cây.

Loại phân bón

Phân chuồng là một trong những loại phânbón không thể thiếu trong quá trình trồng lạc. Nó rất tốt cho sự sinh trưởng và phát triển của cây. Ngoài ra thì lạc cũng cần tưới thêm lân và vôi để cho các nốt sần có thể phát triển.

Nếu không bón vôi sẽ khiến trái bị thối, hạt lép. Có 2 lần bón vôi đó là trước khi bừa ruộng phẳng và sau khi lạc đã ra hoa.

Nên xem:   Biện pháp để hoa cúc nở nhanh vào dịp Tết

Loại bỏ sâu bệnh gây hại cho lạc

Trồng lạc không thể tránh khỏi việc sâu bệnh xuất hiện và gây hại cho cây. Một số loại sâu thường xuất hiện như: 

  • Sâu xám: Chúng thường cắn trụi lá hoặc cắn đứt đôi cây khi vừa mọc. Để phòng trừ loại sâu này chúng ta có thể dùng thuốc CNX-RS để tiêu diệt chúng. 
  • Sâu khoang: Loại sâu này gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Chính vì vậy chúng ta cần tiêu diệt nó càng nhanh càng tốt. Ở đầu thời vụ thì mật độ sâu khá cao, chúng ăn lá gây hạn chế phát triển ở cây. Cũng giống như với loại sâu xám, chúng ta có thể dùng CNX-RS để tiêu diệt chúng.
  • Rệp hại lạc: loài này thường tập trung ở những lá non, chúng bám rất nhiều và hút dịch từ cây. Từ đó khiến cây kém ra hoa, lá quăn queo và sinh trưởng kém. Rệp sinh trưởng và phát triển rất nhanh khi có điều kiện thời tiết mưa, ẩm ướt. Để phòng tránh chúng ta cần bón phân phù hợp và dùng thiên địch để loại trừ.

Thu hoạch và bảo quản lạc giống

Lạc sau khi trồng 4 đến 5 tháng là bạn đã có thể thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 ngày các bạn nên tưới nước cho cây để đất mềm hơn. Như vậy sẽ giúp khi chúng ta thu hoạch không bị đứt củ.

Để phục vụ cho nhu cầu sử dụng chúng ta cần bảo quản lạc như sau. Tốt nhất vẫn là nên phơi nắng để lạc khô lại và cất đi sử dụng dần. Ngoài ra thì các bạn cũng có thể chế biến thành những đồ ăn khô khác nhau như: đậu phộng sấy, rang, dầu ăn,…

Một số lưu ý khi trồng lạc ở miền Bắc

Một số lưu ý khi trồng lạc ở miền Bắc mà các bạn nên biết như: 

  • Tại một mảnh đất không nên trồng nhiều vụ lạc liên tiếp. Như vậy năng suất sẽ bị giảm sút đi rất nhiều.
  • Không nên trồng luân canh cùng với những cây họ đậu khác. Điều này có thể khiến lây lan vi khuẩn, sâu bệnh gây hại rất nhanh.
  • Việc bón phân cho lạc cũng cần rất thận trọng. Nếu bón không đúng cách có thể làm lạc bị đổ, lốp. Chỉ nên bón thêm đạm khi cây không phát triển tốt, đất xấu hoặc không đủ phân chuồng.

Như vậy là chúng tôi đã chia sẻ cho bà con cách trồng lạc ở miền Bắc cho năng suất cao. Hy vọng những thông tin trên sẽ đem đến nhiều điều bổ ích cho mọi người. Chúc thành công!

Theo: Nguyễn Hiền

5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận