Đu đủ là một trong những loại quả được con người yêu thích. Nó không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn có thể được sử dụng để làm thuốc. Vậy trồng đu đủ khó hay dễ? Kỹ thuật trồng như thế nào? Nếu bạn chưa có câu trả lời thì hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Mục lục nội dung
Đặc điểm của cây đu đủ
Cây đu đủ là loại cây ăn quả được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Nó có nguồn gốc từ Trung Mỹ.
Đặc điểm hình thái
Thân của đu đủ thẳng, cao nhưng không cứng, không có các nhánh nhỏ. Chiều cao trung bình của cây từ 3m đến 7m. Từ thân của cây phát triển thành các tàu lá dài khoảng 60 – 70cm, rỗng ruột. Diện tích của mỗi lá khá rộng và chia ra thành 7 phiến lá nhỏ khác nhau.
Đặc điểm sinh trưởng
Cây đu đủ sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ẩm và ấm. Nó không có khả năng chịu nhiệt tốt. Nếu nhiệt độ trên 30 độ C, lượng nước quá nhiều sẽ sinh trưởng kém và ít ra quả. Cây cũng không chịu được thời tiết quá lạnh, dưới 0 độ C cây sẽ chết.
Đu đủ thích hợp trồng ở những nơi đất có độ pH từ 5.5 – 6.5. Đất trồng phải tơi, xốp, có khả năng thoát nước tốt.
Có mấy loại đu đủ?
Hiện nay trên thị trường có 5 giống đu đủ phổ biến, thường được nhiều người trồng.
- Giống Hong Kong da bông: loại đu đủ này thì cho năng suất khá cao, quả to, có khả năng chống chịu tương đối với nhện đỏ. Hàm lượng đường có trong quả khoảng 9 đến 10%.
- Giống Đài Loan tím: trọng lượng trung bình của loại này khoảng từ 1.2 đến 1.5kg, nhỏ hơn loại trên. Tuy nhiên lượng đường lại cao hơn so với giống Hong Kong. Cây dễ bị mắc sâu bệnh, virus.
- Giống Eksotika: thịt của quả màu đỏ tía, hàm lượng đường khoảng 13-15% trên 1 quả 1kg.
- Giống Sola: thịt của loại giống này chắc thịt hơn những giống trên, thơm ngon và có lượng đường cao.
- Giống Hồng Phi 786: loại này cho năng suất cao nhất, mỗi mùa cây có thể đậu đến 30 trái. Trọng lượng mỗi quả cao, hình bầu dục, thịt chắc, thơm ngon và lượng đường khoảng 13-14%.
Công dụng của cây đu đủ
Cây đu đủ mang lại rất nhiều công dụng trong đời sống của con người.Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Dùng làm thức ăn
Quả đu đủ có vị ngọt thanh, thơm ngon nên được rất nhiều người yêu thích. Nó thường được dùng để làm món tráng miệng. Ngoài ra, gỏi đu đủ cũng thường xuất hiện trong thực đơn của người Việt. Ngoài ra đu đủ xanh còn được sử dụng trong việc làm nước chấm.
Dùng làm thuốc chữa bệnh
Từ xa xưa đu đủ đã được coi như một vị thuốc có thể dùng để chữa bệnh. Theo dân gian, nếu ăn đu đủ chín vào buổi sáng sớm có thể tẩy giun.
Theo các nghiên cứu khoa học, trong đu đủ có chứa nhiều hoạt chất có khả năng chống oxy hóa, giúp làm đẹp da, cải thiện sự đàn hồi của da hiệu quả.
Ngoài ra, loại quả này cũng có khả năng ngăn chặn bệnh ung thư, cải thiện tình trạng tiểu đường, hỗ trợ hệ tiêu hoá khoẻ mạnh,….
Các thành phần có trong đu đủ
Theo nghiên cứu, thành phần có trong 1 miếng đu đủ khoảng:
- 2.5g chất xơ
- 264mg kali
- 88,3 mg vitamin C
- 54ug Folate
- 30mg Magie
- 0.068mg vitamin A
Thời vụ trồng đu đủ
Loại cây này có khả năng ra hoa và kết trái quanh năm. Tuy nhiên, tùy từng mùa mà sản lượng đạt được nhiều hay ít. Do vậy, để thu hoạch được nhiều trái và hạn chế bị sâu bệnh tấn công, bạn có thể trồng vào các vụ mùa sau:
- Nếu vùng đất có nguồn kênh, rạch, nước có thể tự vào: trồng vào mùa mưa, khoảng tháng 7 đến tháng 8.
- Nếu vùng đất thường xuyên bị lũ, trồng sau khi nước rút.
Kỹ thuật trồng đu đủ
Để cây đu đủ ra nhiều trái, mỗi trái chất lượng tốt thì bạn cũng cần tuân theo một số kỹ thuật sau đây:
Chọn hạt giống để trồng cây đu đủ
Đầu tiên cần chọn lựa 1 quả đu đủ chín, tươi ngon, cắt đôi và lấy phần hạt ở giữa quả. Sau đó thả hạt vào nước. Chọn những hạt màu đen và chìm xuống dưới đáy. Rửa sạch phần bọc nhớt bên ngoài hạt, đem phơi khô.
Làm đất trước khi trồng đu đủ
Đất trước khi trồng đu đủ phải được cày sâu, đập nhỏ và vun lên luống. Mỗi luống cao hơn mặt đất khoảng 40-50cm. Chừa lại các rãnh giữa mỗi hàng đu đủ để việc thoát nước được tốt hơn. Sau mỗi lần thu hoạch, cần nhặt hết rễ và phơi ải khoảng 1-2 tháng.
Đào hố trồng đu đủ, mỗi hố có kích thước khoảng 60cm. Mỗi hố cách nhau khoảng 2m. Sau đó bón lót một lượng vừa đủ phân hữu cơ xuống trước. Phân phải được ủ hoại, trộn đều với vôi bột trước khi trồng.
Kỹ thuật ươm hạt
- Bước 1: Hạt cần được ngâm vào nước, tỷ lệ nước là 3 sôi 2 lạnh, ngâm trong vòng 5 giờ.
- Bước 2: Sau khi hạt được vớt ra sẽ ủ trong vải cotton khoảng 4-5 ngày.
- Bước 3: Khi hạt bắt đầu nảy mầm thì có thể mang đi gieo.
Lưu ý: Đối với những hạt do tự lấy giống từ trong quả thì phải được loại bỏ hết màng nhầy bên ngoài. Loại bỏ hết những hạt nổi và chỉ lấy những hạt chìm xuống.
Làm bầu cho cây giống
Sử dụng túi ni lông nhỏ, đục những lỗ thoát nước nhỏ ở dưới đáy hoặc các bên túi. Lấy đất đã được chuẩn bị cho gần đầy vào túi. Gieo hạt giống cách mặt đất khoảng 2-3cm. Mỗi bầu gieo một hạt và phủ một chút đất mịn lên trên. Xếp các bầu vào khay một cách nhẹ nhàng. Để các bầu đất ở nơi thoáng mát và nhớ tưới nước đều đặn để hạt có thể nảy mầm.
Kỹ thuật trồng cây
Sau khi cây con trong bầu đã mọc, phát triển và có từ 4-5 lá thật thì có thể mang đi trồng. Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Lấy kéo hoặc dao cắt túi bên ngoài.
- Bước 2: Nhẹ nhàng đặt bầu và cây giống vào hố đã chuẩn bị từ trước.
- Bước 3: Vun đất quanh bầu, ấn nhẹ xung quanh phần gốc.
- Bước 4: Tưới nước vừa đủ cho cây.
- Bước 5: Cắm 1 chiếc que nhỏ ở cạnh cây, để ngọn cây ngóc lên.
Cách chăm sóc cây đu đủ
Nếu muốn thu được những quả đu đủ thơm ngon, bên cạnh việc lựa chọn giống tốt các bạn cần chăm sóc nó trong suốt quá trình sinh trưởng.
Tưới nước cho cây
Đu đủ là loại cây không cần quá nhiều nước. Chính vì vậy, bạn cần cung cấp đầy đủ lượng nước cho cây vào mùa nắng. Đến mùa mưa hoặc có lũ, bạn cần có các biện pháp để thoát nước nhanh. Tránh để ngập úng gây chết cây.
Làm cỏ cho luống đu đủ
Xung quanh cây đu đủ có rất nhiều cỏ dại mọc lên. Những loại cỏ này sẽ lấy chất dinh dưỡng từ đất để phát triển. Chính vì vậy bạn cần thường xuyên diệt cỏ dại để cây lấy được nhiều chất dinh dưỡng hơn. Bên cạnh đó thì nếu cỏ mọc quá nhiều thì đây cũng chính là nơi trú ngụ của sâu bệnh, vi khuẩn gây bệnh.
Bón phân đều đặn
Bón phân đầy đủ sẽ giúp cây có trái to, ngon và nhanh ra trái. Trong suốt quá trình trồng cây, các bạn cần có lịch bón phân như sau:
- Bón lót: Mỗi một hốc khi đào lên, các bạn cần bón lót 0,5kg vôi bột và 5-7kg phân hữu cơ đã ủ. Ngoài ra bạn cần thêm vào 0.5kg lân và 0.2kg kali.
- Bón thúc: Khi cây đu đủ trồng được khoảng 1 tháng, các bạn tiến hành bón phân để thúc đẩy cây phát triển. 1 tuần bón 1 lần, mỗi lần khoảng 50 gam NPK đầu trâu + TE.
- Đối với cây từ 1 tháng – 3 tháng tuổi: 15-20 ngày thì bón 1 lần, mỗi lần từ 70-100 gam NPK đầu trâu + TE.
- Cây từ 3 đến 7 tháng tuổi: Mỗi tháng bón 1 lần, bón từ 100-150 gam NPK + TE. Đồng thời lúc này các bạn cần vun đất lên gốc.
Cách bón phân: Hòa tan phân bón với nước, dùng vòi xịt phun tia nhỏ tưới vào gốc. Khoảng cách tưới cách gốc khoảng 20- 30cm.
Phòng trừ sâu bệnh thường xuyên
Khi trồng cây đu đủ thì không thể tránh khỏi việc bị sâu bọ xâm nhập. Chính vì vậy khi phát hiện các bạn cần nhanh chóng tiêu diệt. Một số loại sâu bọ thường gặp phải như: bọ nhảy, nhện đỏ,…. Khi mật độ quá nhiều các bạn có thể phun thuốc Decis hoặc Trebon với nồng độ lần lượt là 0.1% và 1%.
Ngoài ra, nếu cây bị mắc bệnh virus xoăn thì các bạn cần mua loại giống có thể kháng được bệnh. Bón phân NPK một cách cân đối. Và một điều quan trọng là không nên trồng 2 vụ đu đủ liên tiếp trên cùng 1 chân ruộng.
Đối với các bệnh như: đốm vàng hay phấn trắng, các bạn có thể sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật như sau: Daconil, Topsin, Mancozeb,…..
Bên cạnh đó, để giảm việc xuất hiện sâu bệnh thì các bạn nên chọn những giống cây có khả năng chống bệnh cao.
Thu hoạch quả đu đủ
Sau khoảng 4 tháng là bạn đã có thể thu hoạch được đu đủ xanh để làm các món như: gỏi đu đủ hoặc sử dụng trong nước chấm. Từ tháng thứ 5 là đu đủ đã chín, bạn có thể hái xuống để sử dụng. Chọn những quả có màu da cam hoặc màu vàng nhạt. Bạn cần chú ý nhẹ tay bởi vỏ đu đủ khá mỏng và dễ bị dập nát.
Đu đủ là loại quả vừa có hương vị thơm ngon lại rất tốt cho sức khỏe con người. Hy vọng sau bài viết này các bạn đã biết được các kỹ thuật và phương pháp chăm sóc cây đu đủ. Vậy còn chần chờ gì nữa mà không tiến hành trồng cây ngay nào. Có được vụ mùa bội thu do chính tay mình trồng quả là điều tuyệt vời.
Theo: Nguyễn Hiền