Theo ThS Nguyễn Ngọc Huân, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Chăn nuôi (thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia) cho biết: Hiện chúng ta đang có các giống gà hồ, gà mía, gà Đông Tảo, gà tàu vàng, gà ri, gà tre, gà Phù Lưu Tế, gà Văn Phú, gà ô. Gà thả vườn có ba dòng nhập từ Trung Quốc là Tam Hoàng dòng Jangcun, Tam Hoàng dòng 882 và Lương Phượng. Gà Kabir nhập từ Israel, gà Sasso nhập từ Pháp. Gà lai thả vườn H-98, M-98, TL-95, BT-1 và BT-2 do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Chăn nuôi, cùng Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện Chăn nuôi Bình Thắng (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) lai tạo. Bên cạnh đó, còn có các giống gà thả vườn kiêm dụng, vừa lấy thịt, vừa lấy trứng: Rhode-Ri và BT-1.
So với gà công nghiệp, gà thả vườn rất dễ nuôi, có sức chống chịu bệnh cao, có khả năng tận dụng thức ăn, thịt gà thơm, ngon, đầu tư chuồng trại thấp, phù hợp với điều kiện nuôi nông hộ, kể cả tại các vùng sâu, vùng xa, nơi mà điều kiện đầu tư vốn liếng khó khăn.
Gà tàu vàng là giống gà địa phương lâu đời nuôi ở các tỉnh phía Nam nước ta. Đặc điểm ngoại hình: màu lông không đồng nhất (từ vàng đến vàng sẫm điểm đốm nhiều màu), chân nhỏ và thấp, da và mỏ màu vàng.
So với gà ri, gà tàu vàng hoặc các giống gà địa phương có từ lâu đời ở nước ta, các giống gà thả vườn nhập nội hoặc lai tạo đều có tốc độ tăng trọng cao, sản lượng trứng cao, tiêu tốn thức ăn thấp, đồng đều về ngoại hình và trọng lượng. Tuy nhiên, chất lượng thịt không ngon và thơm bằng các giống gà ta.
Gà Tam Hoàng có màu lông tương đối đồng nhất (dòng Jangcun: vàng nhạt; dòng 882: vàng sậm), chân cao và có màu vàng, da vàng, mào đơn. Nuôi 3-3,5 tháng đạt 1,6-2kg, tiêu tốn thức ăn nuôi nhốt: 3,2kg thức ăn/kg thịt, tỷ lệ nuôi sống (ba tháng): 91-96%. Gà Tam Hoàng bố mẹ có tuổi đẻ trứng đầu tiên ở tuần 20, sản lượng trứng: 135–150 quả/mái/năm, trọng lượng trứng: 40g/trứng, tỷ lệ nở 80–85%, thời gian khai thác: 52 tuần.
Gà Lương Phượng: lông màu vàng có đốm nhiều màu, đa số có màu hoa mơ; da và chân màu vàng; ức sâu, nhiều thịt; mào đơn. Nuôi nhốt chín tuần đạt 1,6-1,7kg/gà.Tiêu tốn thức ăn: 2,8kg thức ăn/kg thịt. Nuôi thả vườn ba tháng đạt 1,9-2,4kg. Tỷ lệ nuôi sống (ba tháng) 92-95%. Gà Lương Phượng bố mẹ có tuổi đẻ trứng đầu tiên ở tuần 21, thời gian khai thác trứng 52 tuần, sản lượng trứng 150–170 quả/mái/năm, trọng lượng trứng 45g/trứng, tỷ lệ nở 80–85%.
Gà Kabir thương phẩm: là giống gà thả vườn mới nhập vào nước ta, lông màu vàng sậm, ngực nở và sâu (thịt nhiều), chân vàng và cao, da vàng.
Gà Sasso: còn gọi là gà Label Sasso, do Hãng SASSO đặt tên cho một giống gà do họ tạo ra, nuôi trong điều kiện nông trại ở Pháp. Đặc điểm giống gà này là khá đồng đều về ngoại hình: lông màu vàng nâu, chân, da và mỏ có màu vàng, ức nở.
Gà H-98: Nuôi 3-3,5 tháng, con trống đạt 2-2,1kg, con mái 1,6-1,7kg. Tiêu tốn thức ăn (trong điều kiện nuôi nhốt): 3kg thức ăn/kg trọng lượng. Tỷ lệ nuôi sống đến lúc bán thịt: 92-96%.
Gà M-98: Nuôi 3-3,5 tháng, gà trống đạt 1,8-2,1kg, gà mái 1,5-1,7 kg. Tiêu tốn thức ăn (nuôi nhốt) 3,2kg thức ăn/kg tăng trọng. Tỷ lệ nuôi sống đến thời điểm bán thịt: 92-96%.
Người ta có thể nuôi gà thả vườn theo hai phương thức: nuôi nhốt và nuôi thả, tùy điều kiện của người nuôi. Về nuôi thả, có những mô hình kết hợp như mô hình Ruộng-Ao-Vườn: dưới ao nuôi cá, tôm, trên ruộng trồng lúa, thả gà vào lúc thu hoạch, còn trong vườn trồng cây ăn trái, cây cảnh… Thời gian nuôi phụ thuộc vào các yếu tố: giống (lớn nhanh hoặc chậm), phương thức nuôi (nhốt hoàn toàn, thả, hoặc kết hợp nhốt – thả) và giá cả thị trường. Tuổi giết thịt trong điều kiện nuôi nhốt của gà thả vườn: Tam Hoàng: 10–12 tuần tuổi; Lương Phượng: 9–10 tuần tuổi; H-98: 9–11 tuần tuổi; M-98: 10–13 tuần tuổi.
Hiện nay, các cơ sở giống đang có khuynh hướng cung cấp các giống gà nuôi thả vườn có màu lông càng giống lông gà ta nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng luôn ưa chuộng giống gà ta (gà ri, gà tàu vàng…) là giống có chất lượng thịt thơm, ngon mà giá bán lại cao.
Một số địa chỉ tham khảo
Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Chèm, Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội): ĐT: (04) 8389773.
Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Vạn Phúc (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Tây): ĐT: (034) 825582.
Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện Chăn nuôi Bình Thắng (Bình Thắng, Dĩ An, Bình Dương): ĐT: (0650) 751615 – 749270.
Công ty Gia cầm TP.HCM (43 Phan Văn Hớn, Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM): (08) 8833302 – 8833293.
Công ty Giống Gia cầm miền Nam (20 Nguyễn thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM): ĐT: (08) 8235989.
Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Chăn nuô (94/1056 Dương Quảng Hàm, phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM): ĐT: (08) 8940988 – 9841115.
Trung tâm Phát triển Chăn nuôi miền Trung (420 Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn, Bình Định)