Tỷ phú đũa tre

Theo Bão Bình/CADN

Mẹ mất khi ông mới 3 tuổi. Đến năm 15 tuổi, cậu bé bị mìn làm mù cả hai mắt. Đến 19 tuổi, cha đột ngột qua đời. Nỗi khổ lại đè lên đôi vai của chàng thanh niên mù. Kể từ đó đến nay, ông đứng dậy bằng nghị lực phi thường để trở thành một tỷ phú trên mảnh đất nghèo khó, cằn cỗi của xã Tam Ngọc (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bằng nghề làm đũa tre. Ông là Đoàn Nghiêu (1956, trú tổ 2, thôn 2, xã Tam Ngọc).

Chuyện của chàng trai mù và cô gái làng bên

Cuộc đời của người trung niên mù trở thành tỷ phú nhờ đũa tre, đã gây sự tò mò cho chúng tôi tìm hiểu. Trong những ngày đầu năm mới từ TP Tam Kỳ ngược lên phía tây xã Tam Ngọc chừng 10km, đến thôn 2, được một cô bé chỉ đường, chúng tôi tìm đến nhà ông Nghiêu. Bước vào đến sân nhà, nhìn trong sân toàn là đũa tre đang phơi. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Vân đang ngồi sắp xếp đũa ra phơi, thấy chúng tôi bước vào bà Vân đứng dậy chào khách và mời vào nhà.

Ông Nghiêu ở trong xưởng bước ra, biết ý chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc đời cũng như số phận đặc biệt của ông, ông Nghiêu chậm rãi tâm sự: “Cuộc đời của tui chẳng may mắn từ nhỏ đến khi trưởng thành. Mất mẹ từ lúc mới lên 3, nhưng đến năm 15 tuổi, trong một lần đi tắm ở bến sông Bình Hòa (xã Tam Ngọc), thấy ông Trần Châu đang cưa đầu đạn nên cùng bạn lại xem, không ngờ đầu đạn phát nổ làm tui và mấy người bạn bị thương, tui bị mù cả hai mắt.

Nên xem:   Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Bạch Đàn

Đến năm 19 tuổi cha cũng đã bỏ tui ra đi. Từ đó cuộc đời tui như rơi vào tận cùng của cuộc sống, suốt ngày chỉ biết quanh quẩn trong nhà, chẳng muốn sống nữa…”. “Tưởng rằng thế là hết, nhưng cuộc đời vẫn có những ngã rẽ bất ngờ. Đến năm 24 tuổi, gặp được cô Nguyễn Thị Vân ở làng kế bên, thấy hoàn cảnh của tui đui mù thui thủi một mình nên cô đã cảm thương. Sau một thời gian tìm hiểu, cô Vân đã nhận lời về làm vợ tui”.

Được biết trước khi về làm vợ ông Nghiêu, cô Vân đã có người dạm hỏi, nhưng vì thương chàng trai có số phận hẩm hiu nên cô đã cương quyết nói cha mẹ trả lễ để lấy “anh Nghiêu mù”. Cha mẹ Vân hết lời khuyên bảo nhưng cô vẫn giữ quyết định của mình, 2 người sinh được một bé trai, đặt tên là Phổ. Ngày ngày cô Vân đi đón củi trên núi mang xuống chợ Tam Kỳ bán, còn Phổ lên 8 tuổi đã biết dắt cha lang thang bán đũa. 

Trở thành tỷ phú nhờ ý chí vươn lên!

Nghề dạy nghề, ông tự mày mò chế biến máy làm đũa. “Trước kia tui nhận đũa thành phẩm về bán, nhưng sau này có máy nhận đũa thô về gia công đũa thành phẩm, lãi tăng gấp đôi, không cực như trước nữa. Nhưng tui vẫn không thấy hài lòng, quyết mua máy có năng suất cao gấp đôi máy cũ”. Ông Nghiêu cho biết, để mua máy ông đã bán 3 con bò và đi vay thêm tiền vào tận TPHCM mua máy. Máy cũ một ngày làm tối đa 100kg đũa, máy mới làm đến một tấn.

Nên xem:   Kinh nghiệm nuôi RẮN RI VOI lợi nhuận cao

Có cái máy thuộc loại “chính hiệu” ở miền Trung như vậy, nhưng ông Nghiêu vẫn chưa bằng lòng. Được bao nhiêu tiền lợi nhuận ông lại đổ vào mua thêm máy (tổng cộng hơn 100 triệu đồng). Ông thuê thêm hai sào đất, mở xưởng sản xuất. Không chỉ làm đũa dài (đũa 26cm), ông hợp đồng với các khách sạn, nhà hàng để cung cấp đũa ngắn (20-23 cm), đũa dùng một lần… và sản xuất nhiều đũa chính hiệu bằng tre và tăm tre.

Với sản phẩm chất lượng, đẹp, rẻ, đồng thời được người khuyết tật, sản xuất nên Hội Người mù các huyện, tỉnh ủng hộ, ông Nghiêu mở rộng thị trường tiêu thụ đến tận TP HCM và các tỉnh, thành phố lân cận. Những năm vừa qua, ông tạo thu nhập cho hàng trăm hội viên người mù trong tỉnh bằng cách cho họ nhận đũa của ông về gia công bán.

Ông Nghiêu nhớ lại: “Ngày trước tui cõng từng bao đũa đi bán, bây giờ đã có xe tải vận chuyển. Từ mái nhà tranh dột nát hồi nào, nhưng giờ đây trên mảnh đất này mọc lên một ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt…”. Từ đó xưởng sản xuất đũa của ông thường xuyên giải quyết công việc tại chỗ cho hơn 10 lao động địa phương với mức lương tháng 1,2 triệu đồng bao cơm trưa. Hiện nay, mỗi năm ông Nghiêu thu nhập gần 2 tỷ đồng.

Nên xem:   Hợp tác xã Nông nghiệp & Dịch vụ Ea Rah tìm đối tác đẻ hợp tác sản xuất-kinh doanh

Khi chúng tôi hỏi mong ước của ông đã thành hiện thực, vậy ông hài lòng với những thành quả của mình hay chưa? Ông Nghiêu cười: “Tui chỉ hài lòng phần nào về thu nhập. Điều tui hài lòng nhất là hai đứa con của tui rất chăm chỉ học hành, con trai lớn nối nghề đũa của tui, còn con gái út đang học đại học ở TPHCM năm thứ hai…”. Từ một chàng trai mù, lại mồ côi cả cha và mẹ, nhưng đã trở thành tỷ phú nhờ “đũa và tăm tre”, sản phẩm đũa tre của ông Nghiêu còn được các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh biết đến.

Rate this post

Bài viết liên quan

Thêm bình luận