Minh Tuấn/Kinh tế Nông thôn
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở vùng núi Tịnh Biên (An Giang) đã đẩy mạnh nuôi gà nòi dưới tán rừng, góp phần tạo thu nhập ổn định cho gia đình…
Dễ làm, thu lời cao
Buổi chiều, chạy dọc Hương lộ 17B, len lỏi dưới tán rừng núi Đất, xa xa chúng tôi đã nghe âm vang tiếng gà… Chúng tôi đến khi anh Đinh Văn Giàu ở ấp Xuân Hiệp, thị trấn Tịnh Biên đang rải lúa cho gà ăn. Anh Giàu cho biết: “Nghề nuôi gà nòi đến với tôi khá bất ngờ. Đây vốn là vùng núi hoang vắng, mỗi khi có đám tiệc hay khách khứa phải đi cả chục cây số mới đến được chợ. Nhiều lần như vậy, tôi nghĩ ra cách thả nuôi vài cặp gà dưới tán rừng. Ban đầu, tôi chưa nghĩ đến chuyện bán gà để tăng thu nhập, nhưng thấy đàn gà sinh sôi nảy nở nhanh, tôi mới bắt đầu bán cho bà con trong xóm. Thấy có lợi nhuận, năm sau tôi mở rộng đàn để tăng thu nhập. Do sống ở miền núi nên đàn gà khỏe mạnh, thịt săn chắc, dai và ngon nên được nhiều người ưa chuộng…”.
Năm 2007, anh Giàu quyết định thả nuôi gần 1.000 con gà nòi. Anh không xây chuồng trại để nhốt mà chỉ thả dưới tán rừng, ban đêm cho chúng ngủ trên những cành cây. Chúng tôi hỏi làm cách nào tập được cho gà ngủ trên cây, anh Giàu bật mí: “Lúc gà nở khoảng 15 ngày tuổi, tôi bắc thang cạnh gốc cây rồi lùa chúng lên. Sau đó gà quen dần và lũ lượt kéo nhau lên cây ngủ”.
Để tránh dịch bệnh, anh Giàu thường xuyên quét dọn phân gà xung quanh tán cây, phun xịt thuốc sát trùng cẩn thận. Nhằm tăng sức đề kháng cho gà, anh cho chúng uống rượu ngâm rết hoặc dầm tỏi trộn với gạo lức rồi rải cho gà ăn. Với cách làm này, đàn gà nhà anh chống chọi tốt với bệnh tật và lớn nhanh như thổi. Hiện giá gà nòi trên thị trường dao động từ 60.000 – 100.000 đồng/kg, trung bình mỗi tháng anh xuất bán khoảng 60-70 con, thu lời trên 4 triệu đồng.
Mô hình có thể nhân rộng
Anh Nguyễn Văn Lợi ở cùng xóm với anh Giàu cũng thả nuôi trên 200 con gà nòi dưới tán rừng. Anh Lợi hồ hởi khoe: “Nhờ nuôi gà mà gia đình tôi có thu nhập ổn định. Nuôi gà nòi ít vốn và không tốn nhiều công chăm sóc. Ban đầu, tôi mua chục cặp gà mái về nhân giống, sau đó đàn gà sinh sôi dần. Trung bình mỗi năm tôi xoay vòng 3-4 lứa gà”.
Theo kinh nghiệm của anh Lợi, để tránh tình trạng gà giống bị thoái hóa, nuôi xong 3 đợt, bán cả đàn rồi mua giống gà từ nơi khác về nuôi. Nhờ đó, đàn gà phát triển rất tốt, sinh sản mạnh và cho lợi nhuận cao. Hằng năm, đến thời điểm gần Tết, thương lái khắp nơi lại đến nhà anh Lợi đặt mua gà. “Tôi không dám nhận hàng, vì họ đặt với số lượng lớn. Với điều kiện thuận lợi này, sang năm tôi sẽ đẩy mạnh chăn nuôi với số lượng nhiều hơn…”, anh Lợi bộc bạch.
Nuôi gà nòi dưới tán rừng là cách làm hay cần nhân rộng, nhằm tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ dân ở vùng núi Tịnh Biên.