Theo Báo Đồng Nai.
Từ khi Việt Nam tham gia ký kết công ước quốc tế CITEC về bảo vệ động vật hoang dã thì thịt thú rừng là mặt hàng đưa vào danh sách cấm săn bắt, giết mổ, mua bán. Thế nhưng, ở xã Phú Lý, xã vùng sâu của huyện Vĩnh Cửu và ngay tại các quán ăn ở TP. Biên Hòa, thịt thú rừng là món đặc sản được tiêu thụ khá phổ biến.
Một người dân sống lâu năm ở Phú Lý cho biết, không ít người thành phố, khách du lịch khi ghé thăm nơi đây thường tìm ăn thịt thú rừng như là một cách thưởng thức hương vị của vùng đất này. Nhiều người còn nói, nếu muốn mua vài chục ký thịt rừng cũng không khó, nhưng phải có người quen giới thiệu. Ngày 9-7-2008, chúng tôi ghé qua vùng đất này để xem thực hư ra sao. Khi còn cách trụ sở UBND xã Phú Lý khoảng một cây số, chúng tôi ghé vào một quán giải khát bên đường và được chủ quán nhiệt tình chỉ dẫn. Cô chủ quán giới thiệu cho chúng tôi vài địa chỉ như quán H.G, quán C.L., N.A. đều có bán thịt rừng. Khi chúng tôi hỏi thăm về một người chuyên bỏ mối thịt rừng tên H.Q., cô chủ quán cho biết ông này vừa mới bị kiểm lâm bắt! Thậm chí, cô chủ quán còn chỉ dẫn chúng tôi cách chuyên chở thịt rừng qua các chốt kiểm lâm là nhờ ông T. chủ một doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu, ông này sẽ vận chuyển thịt rừng về thành phố một cách an toàn!
Tiếp tục đi sâu vào vùng “đặc sản thịt rừng” Phú Lý, chúng tôi ghé vào khu vực ngã ba đường mới hỏi thăm mối thịt rừng H.Q. Chị chủ tiệm ở gần ngã ba cho biết, chị có đặt mua của ông này thịt nhím gửi cho người thân, nhưng chờ mãi mà không thấy, hỏi ra mới hay ông ta bị kiểm lâm bắt. Tại nhà ông H.Q., khi biết chúng tôi muốn mua thịt nhím, một phụ nữ trung niên liền cho giá 200.000 đồng/kg. Thế nhưng khi thấy trước nhà có nhiều người, chị ta liền nói không có hàng và đi nhanh vào trong. Không mua được thịt tươi sống, thông qua người giới thiệu, chúng tôi được biết tại các quán nhậu ở Phú Lý có đủ các loại thịt thú rừng như: nai, mễn, heo, dúi, cheo, kỳ đà giá từ 180.000 đồng/kg đến 220.000 đồng/kg. Riêng con trút (tê tê) có giá khoảng 1 triệu đồng/kg. Để kiểm chứng, chúng tôi tìm đến quán C.L. Quán này chỉ cách “Đội kiểm lâm cơ động số 3…” vài phút đi xe gắn máy. Chị chủ quán đon đả chào khách. Mặc dầu ngoài bảng hiệu ghi “Quán đặc biệt hải sản, lẩu cháo, bẹ sữa, thỏ” nhưng khi hỏi mua thịt rừng thì được đáp ứng ngay. Chủ quán cho biết thịt rừng bán tại quán thì tính theo đĩa, nếu mua về thì tính theo ký. Thịt nai, mễn, heo rừng giá 160.000 đồng/kg, muốn mua nhiều phải đặt trước vì sau khi xẻ thịt các con thú này phải đưa đi tiêu thụ ngay do chủ quán không dám trữ lâu số lượng lớn thịt thú rừng tại quán. Chủ quán còn tư vấn cho khách là huyết con dúi trị được bệnh “gút”, huyết con trút trị được bệnh thiếu máu não. Do vậy, các thú rừng này đều bán nguyên con còn sống với giá dúi là 220.000đồng/kg, trút khoảng 1,2 triệu đồng/kg. Khi được hỏi về vị trí của quán khá gần đội kiểm lâm, chị chủ quán cười xòa cho biết, mấy “ông” kiểm lâm vào đây thì quán chỉ phục vụ các món hải sản. Cách quán C.L. khoảng hơn một cây số là quán H.A. nằm cạnh một vườn xoài. Trước đó, ở bên ngoài quán vườn này chúng tôi trông thấy có hai thợ rừng xách bao lưới đựng thú rừng còn sống đi vào phía sau quán. Chúng tôi bám theo hỏi thăm và được biết một người bán cho quán một con chồn hương được khoảng 200.000 đồng; một người khác bán hai con cu li (con cù lần) nhưng không cho biết giá. Người lớn tuổi hơn cho biết, ở Phú Lý còn có nhiều quán bán thịt rừng dù ngoài bảng hiệu hoặc trong thực đơn không có ghi. Riêng quán H.A., ngoài các thứ thịt rừng thông thường còn có món thịt voọc nướng là đặc sản riêng của quán.
Không chỉ trên rừng mà ngay trong thành phố, thịt thú rừng không phải là hiếm. Trước khi vào khu đặc sản thịt rừng Phú Lý, chúng tôi đã ghé quán H. ở khu vực Bửu Long (TP.Biên Hòa). Quán này trước đây công khai ghi bảng đặc sản thịt rừng nhưng từ khi bị kiểm lâm bắt phạt thì đã xóa mất. Thế nhưng hiện nay khi vào quán gọi thịt dúi, nai, heo rừng, nhím thì thực khách đều được đáp ứng. Ngay tại trung tâm thành phố, quán ăn nhỏ có tên Ph.N ở phường Quyết Thắng cũng có bán thịt rừng. Tình cờ chúng tôi gặp một thanh niên đi xe máy bảng số 60X6-72… ghé vào quán này hỏi có lấy thêm thịt rừng hay không. Chúng tôi vờ đặt mua khoảng 20kg thịt heo rừng liền được anh ta gật đầu ngay nhưng với điều kiện phải đặt mua qua chủ quán cho an toàn. Anh ta rỉ tai, món thịt rừng này mua bán không cẩn thận sẽ bị bắt, vừa mất vốn vừa có thể bị tù tội.
Qua những ghi nhận trên có thể thấy, các chủ quán đều biết kinh doanh thịt rừng là trái pháp luật nhưng vẫn bán. Có lẽ do cách quản lý của ngành kiểm lâm chưa thật chặt chẽ nên món hàng cấm này vẫn còn bán ở nhiều nơi mặc dầu không công khai. Một cán bộ kiểm lâm Đồng Nai cho biết, việc mua bán thịt rừng ở Đồng Nai không lớn và ngành cũng không thể kiểm soát hết việc kinh doanh thịt rừng ở các nhà hàng, tiệm ăn. Còn ông Nguyễn Thái Lai, Chủ tịch UBND xã Phú Lý thì cho biết, Công an xã thường kết hợp với nhân viên kiểm lâm kiểm soát việc mua bán thú rừng trên địa bàn(?!). Thực tế đặc sản thịt thú rừng không là mặt hàng hiếm ở một số quán ăn tại thành phố cũng như vùng sâu, thậm chí còn có thể mua về với số lượng nhiều.