Nữ thạc sĩ “chinh phục” cá chình suối Phú Quốc

Theo Lục Tùng /Báo Lao Động

Trong một lần ra Phú Quốc khảo sát, Th.S Đặng Khánh Hồng, Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Kiên Giang-TTKN-KNKG) phát hiện ra loài cá có thân hình giống cá trê nhưng thân thon dài, có hình hoa vân bóng đẹp, thịt thơm ngon mà người dân trên đảo quen gọi là cá chình suối (CCS).

Th.S Khánh Hồng quyết tâm lao vào cuộc “chinh phục” với tất cả sự say mê…

Say mê giống cá “độc”

Theo Th.S Hồng, đây là loài cá độc đáo cả bên ngoài lẫn bên trong. Về bên ngoài, CCS có nét giống cá trê đuôi vẹo niêu (Clarias Nieuhofii) phân bố ở Tây Campuchia, bán đảo Mã Lai, Đông nam Thái Lan, Ấn Độ, Lào và Indonesia, tức có chiều dài thân gấp 8-9,5 lần chiều cao. Nhưng giữa chúng lại có sự khác biệt rất tinh tế. 

Trong lúc các vi lưng, vi đuôi và vi hậu môn của C. Nieuhofii gần như dính liền nhau, thì ở CCSPQ lại có sự tách biệt. Đặc biệt hoa văn trên da của CCSPQ cũng đa dạng về chi tiết và màu sắc hơn. Nếu ở C. Nieuhofii hoa văn chỉ là những đóm tròn vàng- trắng điểm xuyến trên nền nâu sậm, thì ở CCSPQ có đến 3 màu: Vàng đỏ- trắng-đen và màu sắc của từng loại hoa văn này tương ứng chất lượng, hương vị và sức hấp dẫn khác nhau. 

Cá vàng đỏ, trọng lượng (1 năm tuổi) đạt trên 1,5 kg/con, thịt có mùi thơm đặc trưng. Tương tự, cá màu trắng có trọng lượng lớn hơn, thịt mềm, béo. Riêng cá màu đen, thịt săn chắc nên trọng lượng chỉ ngấp nghé  01kg/con …
 
Theo các vị cao niên ở Phú Quốc, loài cá này rất tinh khôn và hung hãn. Chúng sống ở các đoạn nước suối chảy xiết nên rất khó săn bắt và khi phát hiện đối tượng xâm phạm lãnh thổ là chúng tấn công ngay, kể cả người. Đặc biệt, cá có sức sống rất kỳ lạ. Khi bắt được cá lớn, người ta lấy dao bén chặt lấy khúc đuôi ăn dần tới, khúc thân và đầu có thể tiếp tục sống đến 7 – 10 ngày sau.

Vượt khó “chinh phục” 

Theo TS Đỗ Minh Nhựt, GĐ TTKN-KNKG, các chuyên gia nghiên cứu thủy sản nước ngọt ĐBSCL xác định CCS là đặc sản nằm trong khu dự trữ sinh quyển Phú Quốc là loài cá nước ngọt mới phát hiện trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên do chất lượng thịt ngon, được nhiều đối tượng săn đón với giá cao (150-200 ngàn đồng/kg) nên loài cá này đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng. 

Chính điều này đã thôi thúc Khánh Hồng… Tuy nhiên, do đây là giống loài mới, chưa có tài liệu nghiên cứu. Mặt khác, loài cá này rất nhạy cảm với sự thay đổi môi trường bên ngoài lãnh địa Phú Quốc nên việc nghiên cứu rất vất vả. Hàng ngày Hồng phải vào tận rừng sâu (ấp Suối Lớn-xã Dương Tơ) tìm mua cá tổ chức điểm nuôi vỗ và nghiên cứu giữa “núi” thiếu thốn. 

Vì thế dù đã ứng dụng cả hai hình thức: Tiêm kích dục tố rồi thả vào bể cho cá sinh sản sinh thái và vuốt trứng cho thụ tinh nhân tạo, nhưng liên tục bị thất bại. Mỗi lần như thế là mất toi tiền triệu, nhưng Hồng vẫn kiên trì. Thấy “lính” quá mê, đầu năm 2009, TS Nhựt duyệt cho Hồng làm đề tài nghiên cứu khoa học. 

Nhận được hỗ trợ, chỉ trong thời gian ngắn, Hồng đã hoàn thành đề cương và đã thuyết phục được Hội đồng khoa học tỉnh đồng ý đầu tư trên 300 triệu để thực hiện đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, thử nghiệm sản xuất giống và nuôi thương phẩm CCSPQ” vào tháng 6.2009. 

Đề tài thực hiện trong 24 tháng, nhưng chỉ 3 tháng sau, Hồng đã xác lập quy trình cho CCSPQ sinh sản nhân tạo. “Tuy đang còn điều chỉnh một vài thông số kỹ thuật để nâng tỷ lệ sống sau nở, nhưng về cơ bản đã tìm được chìa khóa của vấn đề”, TS Đỗ Minh Nhựt cho biết thêm: “Cực nhọc, nhưng Hồng xác định, khi công trình thành công sẽ chuyển giao công nghệ cho người dân Phú Quốc tiến hành nuôi thương phẩm”.

Rate this post
Nên xem:   Độc đáo ẩm thực Măng Đen Kon Tum với nhiều trải nghiệm tuyệt vời

Bài viết liên quan

Thêm bình luận