Nông dân từ chối phân bón Vedagro

Bài và ảnh Vĩnh Hoà/ SGTT.

Vedan từng được coi như là ân nhân của nông dân, vì nhờ Vedan, họ có thể kiếm sống từ củ khoai mì. Nhưng giờ đây, những người trồng khoai mì đã lao đao, và họ đã sử dụng quyền từ chối thứ phân hữu cơ mà hãng này bán cho họ để bón khoai mì. Nhưng tác động của phân bón Vedagro vẫn chưa được đánh giá, phải chờ cơ quan chức năng…

Đã hai vụ nay, hàng trăm hộ nông dân tại ba xã Long Đức 1, Long Đức 2 và xã Tam Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai thất thu khi trồng khoai mì bán cho công ty Vedan. Đã nhiều năm, nông dân ở đây trồng khoai mì và có lãi, trung bình một vụ (một năm), mỗi hecta kiếm được khoảng 10 triệu. Đây cũng là ba xã trọng điểm của huyện Long Thành sử dụng phân bón Vedagro (dạng nước), một sản phẩm làm từ chất thải bột ngọt của công ty Vedan.

Tại đại lý phân bón Vedagro của ông K., nhiều tháng nay, không ai đến mua phân về tưới khoai mì như trước. Cho dù giá hiện nay là 400.000 đồng/tấn, nhưng hầm chứa phân lỏng của ông gần như trơ đáy. Ông K. chủ đại lý đã có chín năm sống chết cùng phân Vedagro kể, trước đây mỗi mùa, ông bán khoảng 8.000 – 9.000 tấn phân cho các hộ ở cạnh đây. Nông dân mua phân tưới chủ yếu cho khoai mì, tràm và điều. Thứ phân này rất lạ, tưới xuống cỏ cây chết rụi như xịt thuốc cỏ, nhưng khoai mì lên tốt, củ nhiều. Ngược lại với bây giờ, ngày vào vụ, đại lý của ông, xe bồn chở phân chạy tấp nập. Chín năm bán phân, ông K. cũng đã phải bỏ tiền túi bồi thường cho không ít ao cá vì chỉ cần một ít phân lỏng chảy xuống ao, cá sẽ chết hết, nổi trắng. Điều này, trước đây, ông Nguyễn Khắc Toà, chủ tịch xã Phước Bình (Long Thành) cũng từng kể: ở xã ông, khi phân của Vedan về, trời mưa nước chảy xuống ao, cá chết hàng loạt.

Nên xem:   Cách nuôi Trùn Quế - kỹ thuật thu hoạch 5kg 1 ngày

Tính bình quân, mỗi vụ, nông dân tưới từ 10 – 12 tấn/ha. Vì thấy tốt cho cây khoai mì và rẻ, nên tất cả đều dùng. Chỉ có điều, khi tưới phân xong, ruồi nhặng sinh sôi nảy nở khắp vuờn ruộng, hôi thối cả vùng. Những ngày đầu sản xuất, công ty Vedan không những cho không phân lỏng, mà còn gửi thêm tiền xăng cho các xe đến lấy phân. Dần dà, thấy nhiều người dùng, nên họ bán. Ông Hiếu, chủ một trang trại 10ha cho biết, cũng chẳng lường được lợi hại, nhưng thấy rẻ hơn các loại phân hữu cơ khác nhiều nên cứ mua tưới.

Thế rồi, chẳng biết tại sao, mùa năm kia, hầu hết diện tích trồng khoai mì của ba xã bị bệnh (nông dân nơi đây gọi là nhiễm nấm). Lá cây khoai mì vàng xuộm, èo uột như bị phun thuốc độc. Cuối vụ thu hoạch, chẳng có mấy củ, toàn sượng và nhỏ tí. Ngỡ ít phân, mọi người lại tưới thêm, nhưng kết quả thu hoạch vẫn thế, ông Long, một nông dân kể. Trung tâm khuyến nông của tỉnh về lấy mẫu kiểm tra, sau đó yêu cầu bà con thay giống mới vì có lẽ giống đang trồng đã bị thoái hoá. Nghe lời, nhiều người đổi giống nhưng khoai mì vẫn èo uột, vàng xuộm, ít củ. Người ta bắt đầu nghi ngờ nguyên nhân chết khoai mì là do phân. Một nông dân cho biết, nếu sự thật như vậy, ông sẽ kiện đòi bồi thường. Cuối cùng, những nông dân trồng khoai mì quyết định không tưới phân nữa, nhưng mọi sự vẫn thế, người trồng khoai mì vẫn thất thu, lỗ vốn. Người trồng không tưới phân, đại lý của ông K. cũng không lên công ty lấy phân về trữ nữa.

Nên xem:   Baking soda NaHCO3 – Sodium Bicarbonate nguyên liệu tăng kiềm ao nuôi tôm

Một chủ trang trại gần đó nghi ngờ, phải chăng, cả một vùng đất toàn tưới phân này, nên bây giờ đất trồng đã chai, không còn màu mỡ, mầm bệnh cũng từ đó mà sinh ra? Nhưng sự thật tại đâu, lại phải chờ đến cơ quan chức năng. Chỉ biết, sau một số năm trồng khoai mì có lãi, nay, người nông dân lại lỗ vốn, mất đi những gì họ đã có được.

Rate this post

Bài viết liên quan

Thêm bình luận