Kỹ thuật trồng khổ qua (mướp đắng) sai trái

Khổ qua (mướp đắng) là loại quả có vị đắng nhưng lại rất mát và bổ. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những loại quả “bị” phun thuốc trừ sâu rất nhiều. Tham khảo ngay kỹ thuật trồng khổ qua để đảm bảo an toàn cho bữa ăn gia đình nhé!

kỹ thuật trồng mướp đắng

Lựa chọn giống và thời điểm gieo trồng

Thỉnh thoảng đi chợ, các bạn sẽ bắt gặp những trái “khổ qua nhà trồng” nhỏ xíu, vị đắng và rất sai. Đó là giống địa phương nhưng năng suất khá thấp. Bạn có thể lựa chọn các giống mới nhiều ưu điểm hơn như SG 4.1, SG 4.2, TN8… Những giống mới này đều đã được lai tạo, cho quả to, dài, sinh trưởng mạnh, ít bị sâu bệnh.

Dưới đây là kỹ thuật trồng khổ qua từ hạt:

Cách 1: đào lỗ nhỏ trên luống. Mỗi lỗ cho từ 2-3 hạt. Nếu muốn mỗi cây tập trung dinh dưỡng để cho trái to thì chỉ cho 1 hạt/lỗ. Còn nếu muốn cây ra nhiều trái thì trồng 2-3 cây/lỗ. Tùy vào sở thích, nhu cầu mà bạn chọn số lượng hạt sao cho thích hợp.

Cách 2: ngâm hạt giống vào nước ấm rồi rải hạt lên 1 lớp tro dày. Tiếp tục phủ tro lên mặt hạt. Thường xuyên tưới nước cho hạt, phơi nắng ban ngày và giữ ấm vào ban đêm. Sau 3 ngày hạt bắt đầu nhú mầm thì mang ra trồng.

Không có thời điểm cố định để trồng khổ mướp đắng. Người dân có thể bắt đầu mùa vụ quanh năm. Tuy nhiên nên trồng vào mùa nắng nóng để hạn chế sâu bệnh phá hoại. Mùa mưa cây dễ sinh trưởng, phát triển tốt hơn nhưng cũng cần lưu ý vấn đề thoát nước.

Nên xem:   Địa Lan Sato - cách trồng và chăm sóc cho hoa đúng thời điểm

Cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây khổ qua

Trồng mướp đắng không khó. Bạn chỉ cần chú ý những bước chăm sóc cơ bản sau là có thể tự tin sở hữu giàn khổ qua xanh tươi trĩu quả:

– Tưới nước 2 lần/ngày vào mùa khô. Nên tưới cây bằng nước giếng. Nếu dùng nước máy thì nên để lắng qua đêm cho bay hơi clo, tránh ảnh hưởng cây trồng.

– Khi cây đến giai đoạn trổ hoa và đậu trái, nên dùng rơm khô phủ mặt gốc để giữ nước.

– Khi cây con ra được 3-4 lá thì phải ngắt đọt để cây bật mầm nhanh hơn. Lúc này cây sẽ cho 3 nhánh mới. Tiếp tục ngắt đọt để cây ra thêm nhiều nhánh nữa. Càng nhiều nhánh thì càng có trái nhiều.

– Làm giàn nên làm hình mái nhà, hình chữ X hoặc so le các cây để giàn thông thoáng. Như vậy sẽ hạn chế nguy cơ sâu bệnh tấn công cây và quả.

Khổ qua thường bị tấn công bởi các côn trùng như bọ trĩ, rầy… Triệu chứng khi cây bị chúng chích hút nhựa là lá bị xoắn lại, đọt non thui chột không phát triển. Những côn trùng này có khả năng kháng thuốc cực kỳ cao, do đó cần phải thường xuyên đổi thuốc. Bà con nên phun Trebon 10EC hoặc Applaund 10WP.

Trên đây là kỹ thuật trồng khổ qua tại nhà để bạn dễ dàng tham khảo. Khá đơn giản và dễ làm đúng không nào! Khổ qua là giống cây quen thuộc và thích nghi rất tốt, do đó không tốn nhiều công chăm sóc. Chúc bạn sớm được thưởng thức những trái khổ qua tự tay mình trồng được nhé!

Rate this post

Bài viết liên quan

Không có bình luận cho bài viết này

Thêm bình luận