‘Hai lúa’ trẻ chế tạo máy đánh đường nước

Ngày đăng: 12/12/2009Theo Đặng Ngọc/ Báo Đất Việt

“Hai lúa” Nguyễn…
Chiếc máy đánh đường nước do anh Nguyễn Hoàng Phong chế tạo, giúp bà con nông dân tạo đường chạy cho nước trong ruộng mà không làm chết lúa. Nhờ công cụ này, người nông dân dễ dàng tháo nước từ ruộng ra ngoài, giúp cây lúa sau khi sạ nảy mầm tốt, không bị ốc bươu vàng cắn phá…

Chế tạo máy để bà con đỡ cực

Là con nhà nông, từ năm 13 tuổi, Nguyễn Hoàng Phong đã thường xuyên theo cha đi cày, xới đất để làm ruộng. Mỗi khi máy móc, nông cụ hư, Phong thường giúp cha sửa chữa… Cứ thế, lòng say mê chế tạo, sửa chữa máy móc ngấm vào anh lúc nào không hay.

Lớn lên một chút, Phong xin vào làm công không ăn lương cho một chủ tiệm sửa máy trong xóm để học nghề. Năm 2003, sau khi lập gia đình, Phong khởi nghiệp với bộ đồ nghề được cha cho là kìm, kéo, máy may, khoan tay… Qua nhiều năm hành nghề dịch vụ sửa chữa lưu động, đến nay, Phong có thể sửa chữa máy xe, máy cày, máy gặt đập liên hợp…
Gắn bó với bà con nông dân nhiều năm, Phong nhận thấy, đầu vụ hè thu, nhiều nông dân thường phải dùng máy bơm hút nước từ ruộng ra cho lúa nảy mầm. Trong lúc lội xuống ruộng vét đất tạo đường nước chảy, những chỗ bị đất lấp lên lúa thường bị chết. Và ở chỗ nào mà dấu chân nông dân lội đạp hạt lúa chìm trong bùn thì chỗ đó lúa sẽ không nảy mầm.

Nên xem:   Làm giàu từ mô hình nuôi cá nàng hai

Thực tế đó thôi thúc anh quyết tâm chế tạo máy tạo đường rãnh thoát nước, vừa giúp nông dân khỏi cực, vừa hạn chế tình trạng lúa chết. Ban đầu, Phong mượn chú ruột hai triệu đồng mua sắt về chế tạo một dụng cụ như lưỡi cày để chẻ đất, tạo ra đường rãnh để thoát nước. Song khi mới đưa xuống ruộng, máy đã bị lật, lún, không tạo được đường nước. Và anh đã bị nhiều người trong xóm cười chê.

Không cam chịu thất bại

Anh kể: “Tôi suy nghĩ cả ngày lẫn đêm, mất ăn mất ngủ và cuối cùng nhận thấy lưỡi cắt đất phải được chế tạo sao cho cân xứng, chạy thẳng, cắt đất ngọt thì mới có hiệu quả. Suốt hai ngày đêm sau đó, tôi gần như bỏ ăn, mang giấy viết ra vẽ. Cuối cùng, tôi nghĩ ra cách thiết kế thêm hai bánh xe phụ để tạo đường nước giống như hai chiếc nón lá úp lại với nhau. Trên lưỡi cắt đất, tôi gắn thêm những cục gù, mỗi khi đi qua đoạn đất lún thì lưỡi có độ bám có thể cắt được đất dễ dàng mà không vẹt đất sang hai bên làm chết lúa”.

Sau lần cải tiến này, máy hoạt động tốt, đất xắn đều, đánh đường nước thông suốt (sâu 1,5 tấc, ngang 1,5 – 1,6 tấc, không ảnh hưởng đến lúa) và nhấn được cả rơm xuống đất.

Từ đó, nhiều người khen ngợi và thuê anh Phong làm dịch vụ đánh đường nước mỗi khi mùa vụ đến. Máy hoạt động với động cơ máy Honda, trọng lượng cả máy và dàn lưỡi đánh đường nước chỉ nặng khoảng 50kg, dễ di chuyển. Máy được chở bằng xe máy đến tận đồng ruộng, có thể đánh đường nước trước khi sạ hoặc sau sạ.

Nên xem:   Mô hình nuôi gà ác - Kỹ thuật nuôi gà ác an toàn sinh học

Anh Phong cho biết: Trước kia, 1ha đất nếu đánh đường nước thủ công cần 5 người làm trong một ngày (tốn khoảng 500 – 600 ngàn đồng). Nay có máy này, một người điều khiển một ngày có thể đánh đường nước được 15ha, tiêu tốn gần 7 lít xăng. Giá một chiếc máy chỉ ba triệu đồng.

Đến nay, anh Phong đã bán ba máy đánh đường nước đầu tiên cho nông dân trong tỉnh. Anh cho biết đang chuẩn bị vốn liếng, vật tư, nhân công để sản xuất thêm nhiều máy phục vụ bà con nông dân trong vụ lúa đông xuân sắp tới.

Rate this post

Bài viết liên quan

Thêm bình luận