Cách trồng Lan Càng Cua cho hoa đầy cành siêu dễ

Lan càng cua là một loại hoa mang vẻ đẹp lạ được rất nhiều người săn đón. Nhưng cách trồng lan càng cua thì không phải ai cũng biết. Hãy cùng Niên Giám Nông Nghiệp tìm hiểu cách trồng lan càng cua đơn giản và mất ít công nhé.

Tổng quan về lan càng cua

Lan càng cua dù mang tên lan nhưng chúng lại thuộc họ xương rồng, có danh pháp khoa học là Schlumbergera truncata. Ngoài ra nhiều nơi còn gọi chúng là tiểu quỳnh hoặc hoa nhật quỳnh. Chúng có nguồn gốc từ Brazil và có nhiều màu sắc khác nhau như cam, hồng, đỏ, tím,…

Hoa lan càng cua

Lan càng cua là loài lan biểu sinh và nhìn chúng như những cành xương rồng và không có lá. Thân chúng mảnh và màu xanh, dẹt thành từng dải và vươn ra. Đồng thời chúng có nhiều đốt và có một số khía ở gần đầu thần trong như những càng cua có lẽ vì vậy mà chúng còn có tên khác là lan càng cua.

Nhiều người nói thân lan càng cua có phần giống thanh long. Nhưng thân của chúng có nhiều đốt, không có gai và ngắn hơn thanh long nhiều. Do không có lá nên thân cây là cơ quan quang hợp của lan. Hoa lan càng cua mọc ở đầu cành. Hoa gồm nhiều cánh có tính đối xứng.

Điều kiện trồng lan càng cua

Ánh sáng

Lan càng cua là một loại hoa thích hợp để trồng trong nhà vì chúng không cần nhiều ánh sáng. Chúng có thể phát triển tốt trong điều kiện thiếu ánh sáng hoặc chỉ có ánh sáng gián tiếp.

Khi trồng lan càng cua không nên để chúng tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng trực tiếp. Ánh sáng gay gắt từ mặt trời kéo dài có thể khiến chúng bị cháy lá. Tuy nhiên, việc thiếu ánh sáng cũng khiến chúng kém phát triển. Chúng có có thể bị thối rễ hoặc thối thân.

Cách trồng lan càng cua

Nếu trồng cây trong nhà vị trí thích hợp nhất để đặt cây là gần ban công hoặc cửa sổ có hướng Đông. Những nơi này sẽ cung cấp một lượng ánh sáng vừa đủ cho lan càng cua phát triển. Bạn không cần lo lắng về việc quá nhiều ánh sáng, hay phải mang cây ra một nào để cây thêm ánh sáng.

Nhiệt độ

Lan càng cua ưa thích khí hậu mát mẻ, do đó khí hậu nước ta khá thích hợp cho việc trồng lan càng cua. Nhiệt độ thích hợp nhất cho lan càng cua phát triển là khoảng 20 oC tới 25oC.

Nhiệt độ quá cao hay quá thấp đều ảnh hưởng tới sự phát triển của lan càng cua. Nhiệt độ cao thường chúng mất nước nhiều hơn, những thân sẽ dễ bị héo và cháy. Trong khi nhiệt độ thấp và sương giá cũng có thể khiến chúng kém phát triển thậm chí chết.

Nên xem:   Kỹ thuật chăm sóc cây mai

Chuẩn bị trồng lan càng cua

Chậu cây

Lan càng cua không yêu cầu quá cao về chậu. Hầu hết các chậu nhựa, chậu đến nung,.. có độ thoát nước tốt đều có thể trồng cây. Do lan phát triển khá to về kích thước và bề ngang do đó thông thường người ta sẽ trồng vào các chậu có miệng tròn và đường kính tương đối rộng.

Tuy nhiên chậu cũng không nên quá to sẽ ảnh hưởng tới dáng cây, khiến cây không được tôn dáng. Trong khi chậu quá nhỏ sẽ kìm hãm sự phát triển của cây. Đường kính chậu thông thường phụ thuộc vào số lượng và kích cỡ cây giống bạn trồng.

Kích thước đường kính trung bình khi trồng một cây giống là khoảng 25 cm. Khi có hai cây giống là 35cm. Khi càng nhiều cây giống thì kích thước chậu cũng nên tăng theo để đảm bảo có đủ chỗ và dinh dưỡng cho cây phát triển.

Đất trồng

Lan càng cua là một loại dễ tính trong đất trồng. Yêu cầu về đất trồng của nó khá đơn giản và không nhiều phức tạp như các loài lan phi điệp, Đai Châu, lan hài,… Các loại đất thịt, đất pha cát giàu dinh dưỡng thoát nước tốt đều có thể trồng cây.

Bạn có thể mua đất tại các cửa hàng bán vật tư trồng hoa. Các loại đất mua sẵn này nên được trộn với sỏi nhỏ với tỉ lệ 1: 1 để đảm bảo độ tơi xốp cho đất. Đồng thời để tăng độ dinh dưỡng bạn có thể trộn thêm phân hữu cơ.

Ngoài ra bạn có thể tận dụng đất tại vườn nhà. Nếu lấy đất tại vườn nhà, bạn nên phơi ải chúng trước ánh sáng trực tiếp từ mặt trời trong khoảng 2-3 ngày. Ánh sáng mặt trời sẽ tiêu diệt các mầm bệnh, đặc biệt là nấm và vi khuẩn có trong đất, hạn chế sự lây lan của chúng khi trồng cây.

Với đất tại vườn nhà bạn nên trộn chúng với phân hữu cơ hoai mục hoặc trùn quế trước khi trồng cây để tăng độ dinh dưỡng. Nếu đất chưa có độ tơi xốp thích hợp thì có thể tiến hành trộn thêm rơm băm nhỏ hay đá xốp nhỏ.

Cách trồng lan càng cua hiệu quả

Chọn giống và nhân giống

Cách nhân giống lan càng cua không quá khó. Cây mẹ được đem nhân giống nên là cây khỏe mạnh, có sức sống cao, sức chịu đựng tốt. Các cây mẹ nên có thân xanh đang trong giai đoạn phát triển thân. Tránh nhân giống vào giai đoạn lan càng cua đang phát triển hoa sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển.

Ngoài ra không nên chọn những cây mẹ có dấu hiệu vàng thân, hư hại sâu bệnh để tránh sự lây lan cho cây con. Cây mẹ cũng nên có ít nhất một mùa hoa để đảm bảo đây chính là loại xương rồng bạn muốn trồng.

Nên xem:   Hoa Ngọc Lan nở vào mùa nào? Cách trồng cây ngọc lan trong chậu

Hiện nay có hai cách nhân giống phổ biến là giâm cây con và ghép vào cây xương rồng.

Giâm cành

Để có thể giâm cành lan càng cua một cách hiệu quả thì trước tiên bạn nên chuẩn bị một con dao hoặc kéo cắt cành sắc. Có thể tiến hành khử khuẩn lưỡi dao hoặc lưỡi kéo bằng cồn. Nếu không có cồn bạn có thể rửa bằng nước sạch sau đó phơi khô.

Tiến hành cắt dứt khoát một tới hai đốt của lan càng cua mẹ. Tránh cắt nhiều lần gây dập nát thân cây. Đồng thời bạn cũng không nên cắt quá nhiều đốt sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của cây mẹ. Tối đa bạn không nên cắt quá 5 đốt lan.

Sau đó hong khô đoạn lan mới cắt trong bóng râm thoáng mát từ 1 – 2 ngày. Khi vết cắt đã khô lại là bạn có thể đem trồng cây. Tiến hành cắm cành sâu khoảng 2-3 cm vào hỗn hợp đất tơi xốp đã chuẩn bị trước.

Sau đó bạn nên tiến hành chăm sóc và tưới nước cho cây định kì sau 3-5 ngày một lần. Cách nhân giống này khá hiệu quả đảm bảo độ thành công cao. Tuy nhiên, hoa thường mất nhiều thời gian hơn để phát triển và không được nhiều hoa như cách ghép cây.

Ghép cây

Đây là phương pháp nhân giống được nhiều người lựa chọn bởi những ưu điểm của nó như nhiều hoa, cây phát triển nhanh. Gốc ghép thường là cây xương rồng do có nhiều đặc điểm chung với lan càng cua. Đôi khi bạn có thể chọn thanh long làm gốc ghép.

Cách ghép lan

Sau khi chọn gốc ghép, tiến hành dùng dao đã khử khuẩn lưỡi dao bằng cồn hoặc hơ qua lửa để tạo các vết cắt trên thân hoặc cành. Vết cắt nên có độ rộng bằng với độ rộng của cành ghép. Thông thường các vết cắt này thường có miệng dài khoảng 2 cm.

Đối với cành ghép, bạn nên cắt lấy các đốt lan càng cua không quá già và không quá non. Cách cành đang trong giai đoạn phát triển sẽ cho tỉ lệ mọc cao hơn. Đồng thời bạn chỉ nên cắt mỗi mầm ghép có độ dài khoảng 5 tới 7 cm, tương đương với một hoặc hai đốt lan càng cua mẹ.

Tiến hành cắt vát hình chữ V cho các cành ghép bằng dao hoặc có thể dùng dao lam cắt cho thuận tiện hơn. Sau đó tiến hành cài vào gốc ghép. Nên tiến hành nhanh chóng việc cắt gốc ghép, cành ghép và cài chúng lại với nhau.

Tốt nhất là khi lớp nhựa giữa hai vết cắt chưa khô. Nếu để khô, cây mọc sẽ khó khăn hơn làm giảm sự thành công của việc ghép cây.

Chăm sóc

Tưới nước

Lan càng cua có khả năng chịu hạn khá tốt nên không cần tưới nước quá nhiều. Bạn có thể tưới nước sau khoảng mỗi ba ngày một lần. Tần suất tưới nước có thể tăng thêm hoặc giảm xuống vào những ngày nắng hoặc mưa ẩm ướt.

Nên xem:   Cây Kim tiền gây độc và những bí mật “chết người” gây sốc

Ngoài ra bạn có thể bổ sung thêm nước khi kiểm tra thấy khoảng 2-3 cm lớp đất tính từ mặt đất đã trở nên khô lại. Không nên tưới quá nhiều nước cho cây sẽ khiến cây dễ bị thối rễ và thân. Nhưng nếu để cây khô quá lâu cũng sẽ khiến cây bị héo thậm chí chết.

Bón phân

Phân bón nên được bổ sung thường xuyên cho lan càng cua trong giai đoạn phát triển của cây. Nên tiến hành bổ sung thêm các loại phân bón có hàm lượng kali cao hai tuần mỗi lần khi cây con bắt đầu có chồi hình thành.

Lan càng cua sẽ ưa thích việc bổ sung phân bón thường xuyên do chúng có độ phát triển tương đối nhanh. Tuy nhiên tần suất bón phân nên giảm xuống hoặc không cần bón tại giai đoạn cây đang ra hoa.

Sau khi kết thúc mùa hoa, bạn nên bổ sung đều đặn phân bón cho cây. Các loại phân nhẹ như 20-20-20 hoặc 10-10-10 pha loãng với nước đến 50% cường độ sẽ thích hợp cho sự phát triển của lan. Đồng thời có thể bổ sung thêm phân hữu cơ vào đất để tăng độ phì nhiêu cho đất.

Ngoài ra, hàng tháng bạn nên bổ sung thêm các loại phân vi lượng đặc biệt là bổ sung nguyên tốt magie cho lan. Chú ý là không nên bổ sung các loại phân vi lượng đồng thời với các loại phân khác mà nên tách ra sau tầm 4-5 ngày.

Cách kích thích lan càng cua ra hoa

Nhiều người thắc mắc rằng đã thực hiện rất tốt cách trồng lan càng cua cũng như cách chăm sóc rồi nhưng lan vẫn không cho ra nhiều hoa và đẹp. Niên Giám Nông Nghiệp sẽ bật mí cho bạn một mẹo để kích thích cây ra hoa hiệu quả nhé.

Cách kích thích cây ra hoa

Đầu tiên cần giữ cho cây ở nhiệt độ mát mẻ khoảng 20oC sau thời khi nở hoa của chúng. Trước khi bước vào mùa hoa mới, tần suất tưới nước nên giảm xuống. Phân bón cũng nên tạm thời dừng lại.

Ngoài ra cũng nên luân phiên thay đổi ánh sáng cho chúng. Trung bình 10 giờ ánh sáng và 14 bóng tối. Những động thái trên sẽ kích thích cây ra hoa sau khoảng sáu tuần. Vị trí trồng lan cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới sự ra hoa. Tránh để chậu lan gần những vị trí như lò sưởi, lỗ thông hơi.

Cách trồng lan càng cua không hề khó. Hy vọng những chia sẻ ngắn gọn của Niên Giám Nông Nghiệp về cách trồng lan càng cua sẽ giúp ích cho bạn. Chúng bạn may mắn và thành công.

Theo: Biển Lặng

5/5 - (2 bình chọn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận