Su hào là loại cây chỉ thích hợp với những vùng khí hậu mát mẻ. Do đó, cây này thường chỉ thấy ở Đà Lạt và những tỉnh miền Bắc. Không chỉ “kén” thời tiết mà su hào còn có thể bị ảnh hưởng năng suất bởi một số loại bệnh hại. Trong đó phổ biến nhất là su hào bị nứt củ.
Mục lục nội dung
Các loại su hào phổ biến
Củ su hào là phần thân phình to ra và tạo thành củ. Hiện nay, ở nước ta phổ biến nhất là 3 giống su hào:
– Su hao dọc tăm: một số vùng còn gọi là su hào trứng. Loại này có kích thước khá nhỏ, vỏ củ mỏng, tròn đều. Nhược điểm là cho năng suất rất thấp nhưng lại có hương vị thơm ngon.
– Su hào dọc cỡ nhỏ hoặc trung: Loại này ăn rất ngon nên được nhiều người ưa thích.
– Su hào dọc to: còn có tên là su hào trâu, su hào bình vôi. Ưu điểm là củ to, vỏ dày, chắc. Thời gian từ khi trồng đến khi cho củ khoảng 7 tháng.
Khắc phục hiện tượng su hào bị nứt củ
Su hào bị nứt củ là hiện tượng không hiếm. Rất nhiều bà con trồng su hào khi tới thời điểm thu hoạch đều phải đối mặt với tình trạng này, gây giảm sút năng suất. Thông thường vết nứt nằm ở giữa củ mà không phải xung quanh củ.
Nguyên nhân khiến củ su hào bị nứt khá đa dạng, chủ yếu là các nguyên nhân sau:
– Do bà con chọn giống su hào có vỏ quá mỏng, khi điều kiện thời tiết thay đổi thì vỏ củ dễ bị nứt.
– Do trong quá trình chăm sóc bón quá nhiều đạm cho cây, cây phát triển quá nhanh khiến vỏ không kịp lớn mà thịt bên trong đã phình ra thì cũng gây nứt.
– Thời tiết khô hạn mà lại tưới nhiều nước đột ngột, tưới rãnh, tưới ngập. Cây hút nước quá no cũng gây hiện tượng su hào bị nứt củ.
– Củ bi thiếu Đồng, Canxi hoặc một số nguyên tố trung vi lượng khác.
Đối với tình trạng củ su hào bị nứt thì có các phương án xử lý sau:
– Duy trì độ ẩm ổn định cho vườn.
– Ưu tiên bón phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh để bổ sung đạm và Kali, giúp vỏ củ phát triển bình thường.
– Không bón đạm đơn, phải bón Lân và Kali để cân bằng dinh dưỡng cho cây.
Các loại bệnh hại khác ở su hào
Bên cạnh tình trạng su hào bị nứt củ, chúng cũng dễ bị tấn công bởi các bệnh như thối lá, thối nhũn, các loại sâu như sâu xanh, sâu tơ, rệp trắng… Để phòng ngừa bệnh, bà con cần thường xuyên tổng vệ sinh vườn su hào, tránh tồn trữ mầm bệnh, đồng thời cày xới để tiêu diệt sâu, nhộng… tránh để chúng phát triển và lan rộng.
Thông thường sâu sẽ xuất hiện sau khi gieo trồng từ 15 – 20 ngày. Nếu thấy sâu phát triển nhiều thì cần phun 1 – 2 lần thuốc bảo vệ thực vật. Trường hợp khó kiểm soát số lượng sâu thì cần dùng tới thuốc hóa học. Tuy nhiên cần phải tuân thủ đúng chỉ dẫn trên bao bì và đảm bảo thời gian cách ly thuốc trước khi thu hoạch.
Su hào bị nứt củ là một hiện tượng thường gặp ở giống cây này, tuy nhiên cách xử lý cũng khá đơn giản. Đây chưa hẳn là triêu chứng của bệnh hại, do đó bà con không cần quá lo lắng mà chỉ cần áp dụng các biện pháp như trên để hạn chế là được.
Câu hỏi
Trồng 3 sào su hào, được 1 tháng rưỡi. Trồng được 1 tháng thì bắt đầu có hiện tượng nứt củ, lá vàng, ngoài ra không có hiện tượng nào khác. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?
Khắc phục su hào có hiện tượng nứt củ:
* Nguyên nhân su hào nứt củ:
– Do giống
– Do ẩm độ đang quá thấp, tưới nước nhiều, tưới tràn làm cây hút nhiều nước thì vỏ củ sẽ nứt ra
– Do trong đất thiếu các nguyên tố: ĐỒNG, CANXI, …
* Cách khắc phục
– Bón bổ sung hoặc phun các loại phân có ĐỒNG hoặc các loại CANXI, VÔI BỘT, …
– Tưới nước để độ ẩm đều
– Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho cây.