Rau sắng (ngót rừng) là gì? cách làm giàu từ rau sắng

Theo Tuấn Khanh / Đại Đoàn Kết Online

Rau sắng “đặc sản”…

Rau sắng, mới chỉ nghe tên đã khiến người ta muốn tìm về với lễ hội Chùa Hương để được thưởng thức thứ rau rừng ngon nức tiếng. Nhưng để lấy được thứ rau ấy, người hái đã phải bỏ nhiều công sức và cả nước mắt… Câu chuyện về ông “vua” rau sắng đã thúc giục tôi tìm đến “đại bản doanh” của ông…

“Đặc sản” của vùng đất thiêng

Lần đầu đi hội chùa Hương nhưng câu chuyện về ông “vua” rau sắng đã thúc giục tôi tìm đến “đại bản doanh” của ông nằm sâu mãi trong rừng. Nhìn hốc đá trống trơn chỉ có duy nhất manh chiếu cũ nằm xộc xệch trên nền đất tôi ngán ngẩm định quay ra. Đúng lúc đó người đàn ông trạc gần 40 bước vào lên tiếng: Vua với tướng gì chứ, đói nghèo quá phải bám lấy rừng, đi hái rau sắng mà sống. Mới 40 tuổi nhưng đã có gần 30 năm thâm niên sống trong rừng đi hái rau Sắng.

“Ông vua” rau sắng người làng Quyển Sơn, Kim Bảng, Hà Nam chứ không phải thổ dân vùng núi Hương Sơn này. Nhà anh cách Hương Sơn hơn chục cây số đường rừng, nhưng gia đình anh sống bằng nghề hái rau sắng. Chính vì thế anh am hiểu và sành về rau sắng lắm. Rau sắng vốn không chỉ có vùng Hương Sơn mà còn có ở Kim Bảng, Hà Nam, Hòa Bình và nhiều nơi khác. Tuy nhiên từ xưa đến nay, dân gian lưu truyền rằng rau sắng chùa Hương là ngon nhất, thơm và đậm đà hơn các nơi khác. Bởi thế thi sĩ Tản Đà mới có câu: “Muốn ăn rau sắng chùa Hương/ Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa”. Nhưng bằng kinh nghiệm của anh và nhiều vị tiền bối sống bằng nghề hái rau sắng thì loại rau này ở vùng núi Kim Bảng có vị ngọt đậm không đâu sánh bằng. Những người sành ăn có thể nhận thấy, cùng một vị thơm, ngọt đậm đà như nhau, nhưng rau ở vùng núi Kim Bảng khi nấu lá vẫn giữ được màu xanh tươi. Đặc biệt ăn xong trên đầu lưỡi vẫn giữ được vị ngọt đậm man mát. 

Nên xem:   Công Ty Tnhh Phố Chợ

Nghe có vẻ nghịch lý nhưng núi Hương Sơn pha nhiều đất hơn, đá vôi cũng “mềm” hơn, núi đá Kim Bảng là đá xanh, nghèo chất dinh dưỡng, cây sắng sinh trưởng được phải hút được những tinh túy của đá, của núi. Chính vì thế vị ngọt của rau sắng vùng này mới đậm đà và ngon hơn. Anh Thảo, bạn đồng hành “vua” rau sắng giải thích. Cũng theo anh Thảo rau sắng mọc ở vùng núi rừng Hương Sơn, dãy núi đá vôi Ba Sao, Liên Sơn, Khả Phong (thuộc huyện Kim Bảng) lan tới vúng núi Chi Nê, Xích Thổ (Hòa Bình). Sau này, rau sắng được nhiều người mang về trồng, dù vậy vẫn không ngon bằng rau sắng rừng.

“Vị đắng” rau sắng

Nhấp ngụm trà nóng anh Thảo chép miệng bảo, rau sắng ngon , vị ngọt đến đâu cũng không lấp được “vị đắng” của người hái. Nghề nào cũng có nỗi khổ…, nhưng săn tìm đặc sản quý báu của rừng thì cơ cực và vất vả bội lần. Một năm chỉ trông chờ vào mùa lễ hội nên có nhiều người ở lại trong rừng suốt mấy tháng ròng tìm hái rau sắng. Ngày thường đi rừng đã khổ, ngày mưa đi rừng còn cơ cực hơn gấp bội. Nhất là đi tìm hái thứ rau quý của rừng chỉ mọc ở những nơi địa hình cao, dốc và nguy hiểm. Là người vốn “thạo” rau sắng, nhưng khi ở trong rừng thật không dễ tôi phân biệt đâu là rau sắng đâu là cây dại. Theo “ông vua” rau sắng thì nghề hái rau sắng rất hấp dẫn với dân nghèo vì không phải bỏ vốn chỉ cần bỏ sức. Đầu mùa giá 1 kg rau sắng từ 200 – 300 ngàn đồng, tùy từng loại rau hái được. Nhưng có người hái được rau rồi thì sợ mãi… Cách đây không lâu anh Thảo và “vua” rau sắng lên núi Chồm hái rau sắng thấy một người bị ngã nằm mê man bất tỉnh trên vách đá. Hai anh thay phiên nhau cõng gần 8 tiếng mới đưa được ra đường lớn nhờ người giúp. Cũng may được phát hiện sớm nên vẫn giữ được mạng sống. Hỏi ra mới biết anh ấy tên Tiến, người Quốc Oai. Ra Giêng, nông nhàn hai vợ chồng lên thành phố xin việc không được, đưa nhau về chùa Hương, vợ bán hàng dạo, chồng vào rừng hái rau. Lần đầu đi, được sự chỉ dẫn nhiệt tình của người đồng hương nên anh hái được gần 2kg, bán được 300 ngàn đồng. Mừng như bắt được vàng, sáng sớm hôm sau anh tiếp tục tay nải một mình vào rừng hái rau thì gặp sự cố.

Nên xem:   Cá niên - đặc sản núi rừng miền trung

Theo ông “vua” rau sắng thì rau sắng có hai loại là sắng cây và sắng dây. Rau sắng dây đầu vụ từ giữa tháng Giêng đến giữa tháng 4 âm lịch, rau sắng cây thì hiếm và ngon hơn loại rau sắng dây, vụ ngắn hơn chỉ từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 âm lịch. Nhưng ngon nhất ở cây rau sắng chính là “rồng rồng”. “Rồng rồng” nấu với canh xương thì mùi vị thơm ngon không gì sánh bằng. Nhưng để hái được hai loại rau sắng- đặc sản của núi rừng này người hái phải trải qua rất nhiều thử thách. Để tới được nơi có loại rau này người hái phải trải qua đoạn đường núi dốc, quanh co và rất nguy hiểm. Đến nơi phải khéo léo trèo từ ngọn cây này sang ngọn cây kia vì rau sắng dây thường leo trên các lùm cây cao, trên đỉnh hay bên vách núi. Rau sắng cây thường mọc bên những vách đá cheo leo.

Để sống được bằng nghề hái rau sắng, bài học vỡ lòng đầu tiên của ông vua rau sắng là trèo cây và vào rừng một mình. Ông bảo muốn hái được 1kg rau sắng phải trèo qua gần 30 cây, đấy là may mắn gặp những cây có nhiều rau bám vào. Hái được rau sắng đã khó nhưng bảo quản để rau không bị rách dập càng khó hơn. Ngay sau khi hái được rau phải xếp rau vào giỏ theo từng nắm nhỏ. Muốn giữ độ tươi cho rau phải thường xuyên dấp nước nhưng lượng nước chỉ ở mức vừa phải nếu không rau sẽ bị úa tàn. Vì thế khi hái được rau, người hái phải tức tốc mang về tiêu thụ nếu không rau sẽ bị hỏng.

Nên xem:   Bệnh cháy lá trên cây chôm chôm

Đưa mắt nhìn vào trong rừng sâu xa thẳm “vua” rau sắng thở dài bảo; gần 30 năm làm nghề hái rau sắng cái mất cũng nhiều nhưng cái được cũng không ít. Cũng nhờ cái nghề đi rừng mà anh chàng nghèo rớt mùng tơi như anh mới lấy được vợ và được mọi người tôn là “vua”. “Vua” rau sắng, mới nghe đã thấy cay cay nơi khóe mắt và nghẹn đắng ở cổ họng. Một người như anh mỗi ngày hái được 5- 6kg bán được hơn 1 triệu đồng không phải ai cũng làm được nhưng có những lúc ở rừng 4,5 ngày vì không hái được nổi một nắm mang ra bán. Những người đi rừng, món ăn quen thuộc nhất là cơm nếp chấm muối vừng, nước sẵn có ở suối và các khe núi. Những đêm ở lại rừng, nằm co ro trên mảnh chiếu thấy thèm một bát cơm nóng và cốc trà mạn pha đặc đến se lòng nhưng không dám vì sợ cháy rừng. Chỉ cần một đốm lửa lóe lên, kiểm lâm biết được thì anh sẽ bị mất nghề. Chỉ mới nghĩ tới đó anh đã rùng mình ớn lạnh.

Tiễn ra cửa rừng, anh dúi vào tay tôi nắm rau sắng còn tươi nguyên bảo: Tôi cũng được bố mẹ đặt tên nhưng tôi vẫn muốn được gọi bằng cái tên mà người dân ở đây đặt cho “vua”rau sắng. Không vì chút danh tiếng mà đấy là động lực cho những tiều phu như tôi tiếp tục mưu sinh bằng nghề “ăn rừng, ngủ rừng”.

Rate this post

Bài viết liên quan

Thêm bình luận