Người đem trái gấc Việt Nam “xuất ngoại”

Nhân dịp về dự Hội nghị tổng kết phong trào làm kinh tế VAC của Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2002-2006, chúng tôi thực sự ấn tượng với rất nhiều mô hình đơn giản, tận dụng được thế mạnh của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao… Trong đó không thể không nói đến vườn gấc cho “quả vàng” của gia đình ông Trần Sỹ Quảng xã Quảng Minh (Việt Yên – Bắc Giang).

Từ một chuyện tình cờ
Nhân một lần về thăm lại chiến trường xưa, ông Quảng gặp đoàn cựu chiến binh Mỹ ở chiến trường Xuân Lộc. Thấy họ đào và mang đi những cây gấc mọc lên giữa mảnh đất khô cằn vì chất độc hoá học, ông không khỏi ngạc nhiên và tò mò. Qua tìm hiểu ông được biết, quả gấc chứa chất Carotel – loại dược phẩm dùng để bào chế các loại thuốc do nhiễm chất độc da cam. Trở về quê hương, câu chuyện bất ngờ đầy thú vị cứ ám ảnh ông. Không ngờ cây gấc quen thuộc và bình thường lại mang những giá trị đặc biệt như vậy. Thấy đặc điểm khí hậu, địa chất ở địa phương phù hợp, ông quyết tâm trồng loại cây giàu sức sống ấy. Nghĩ thì đơn giản, nhưng bắt tay vào làm lại là chuyện hết sức khó khăn. Vấn đề đặt ra là: phải tìm được giống cây tốt, nắm được kỹ thuật trồng và tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông lặn lội lên Hà Nội, tìm đến các công ty thu mua gấc xuất khẩu, đề nghị làm đầu mối cho họ. Khó khăn lại nảy sinh khi các công ty thông báo, họ chỉ mua loại gấc lai cao sản của Mỹ, Nhật Bản – loại gấc cho quả to, cùi dầy và năng suất cao. Không thất vọng, ông Quảng lấy hạt giống gấc lai từ Hà Nội đem về gieo thử. Vốn công tác ở Xí nghiệp phân đạm Hà Bắc, lại là “con nhà nông” chính gốc, ông phần nào tự tin khi tự tay gieo những hạt mầm đầu tiên. Quả nhiên, sau thời gian chăm sóc, hạt giống bắt đầu nảy mầm và sinh trưởng tốt. Ông lập tức tìm cách nhân rộng diện tích trồng gấc lai cao sản bằng cách cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho bà con ở tất cả các xã, huyện trong tỉnh. Bà con các tỉnh lân cận hay tin cũng đến tận nhà ông để mua cây giống và học hỏi kỹ thuật. Hàng vạn cây gấc được trồng với biết bao hứa hẹn…

Nên xem:   Đặc điểm các loài bọ cánh cứng hay gặp và cách diệt trừ

Có thể bạn cũng quan tâm đến những bài viết

Những vụ mùa bội thu
Khi ông Quảng trồng thành công cây gấc, đối tác tin tưởng và chính thức nhận bao tiêu sản phẩm với số lượng không giới hạn. Với mảnh vườn của gia đình chỉ rộng 1.000m2, ông không thể đáp ứng được nhu cầu của đối tác. Nắm được cơ hội phát triển, ông nhanh chóng xây dựng vùng nguyên liệu ở khắp các tỉnh miền Bắc. Hàng trăm héc ta gấc lai cao sản hình thành tại Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Sơn La… mỗi năm thu hoạch hơn 200 tấn gấc quả. Ở mỗi tỉnh, ông Quảng đều xây dựng các đầu mối thu mua sản phẩm cho bà con. Từ các đầu mối này, quả gấc tươi được đưa về chế biến tại chính nhà ông. Ông Quảng cho biết, giá một tấn gấc thành phẩm (đã sấy khô) hiện nay khoảng hơn 50 triệu đồng, gấc tươi giá 2 triệu đồng/tấn. Riêng năm 2006, gia đình ông đã thu mua hơn 240 tấn gấc, với số lượng tiêu thụ lớn như vậy, ông tạo việc làm theo mùa vụ cho khoảng 200 công nhân với mức lương 1 triệu đồng/tháng. Sản phẩm gấc sấy khô được xuất sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Đức và Cộng hoà Séc. Không chỉ tập trung vào cây gấc, ông Quảng còn tận dụng diện tích ao hồ, chuồng trại của gia đình thả cá, nuôi lợn nái, nuôi bò. Doanh thu mỗi năm hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, ông còn tận dụng bùn ao phơi khô, nghiền nhỏ bán cho các nhà máy làm phụ gia chế biến phân bón. Mỗi năm gia đình ông sơ chế khoảng 1 vạn tấn bùn, với giá 250.000đồng/tấn.

Nên xem:   Công Ty Tnhh Phố Chợ

Tâm sự với chúng tôi, ông Quảng cho biết: “Mình là người nông dân, đi lên từ nông nghiệp. Phải biết tận dụng thế mạnh của quê hương để làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình. Hiện nay, rất nhiều hội viên HLV các xã, huyện trong tỉnh, HLV tỉnh bạn đến học hỏi kinh nghiệm tại vườn gấc cho “trái vàng” của gia đình tôi. Tôi rất sung sướng và sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho bà con”. Rồi ông tiếp: “Cây gấc mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng, ít sâu bệnh vì thế trong năm 2007, tôi sẽ tìm cách mở rộng vùng nguyên liệu, tăng sản lượng gấp ba lần hiện nay…”. Trong khi chúng tôi trò chuyện, ông phải xin lỗi liên tục để nghe điện thoại, rồi lại giải thích: “Đối tác gọi cho tôi”… Tôi ước gì người nông dân nào cũng bận rộn như ông, chịu khó học hỏi và sáng tạo như ông, để nơi nào trên đất nước này cũng cho những mùa quả vàng viên mãn.

Lê Phương
Rate this post

Bài viết liên quan

Thêm bình luận