Lợn nái trong đàn cần được chăm sóc cẩn thận hơn so với những con lợn khác. Bởi sức khoẻ của nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lợn con sau này. Vậy làm thế nào để nhận biết được thời điểm cần phối giống, dấu hiệu lợn nái có thai để có thể chăm sóc tốt hơn.
Nếu các bạn vẫn đang thắc mắc và chưa có câu trả lời thì hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Mục lục nội dung
Biểu hiện của heo lên giống
Việc phát hiện lợn nái lên giống là rất quan trọng. Việc này giúp lợn có thể thụ tinh thuận lợi và dễ dàng mang thai. Các bạn cần theo dõi thường xuyên, kiểm tra lợn 2 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau 12 giờ. Thời gian tốt nhất để kiểm tra là vào sáng sớm và chiều tối. Đây là hai thời điểm mà có thể dễ dàng phát hiện lợn nái động dục.
Ngày động dục đầu tiên
Những biểu hiện đặc trưng của ngày động dục đầu tiên ở lợn nái đó chính là kêu rít, đi lại nhiều và có dấu hiệu muốn nhảy khỏi chuồng. Kèm theo đó nếu có người động vào sẽ bỏ chạy. Lợn nái không muốn ăn, âm hộ có dấu hiệu sưng nhẹ, đỏ lên. Từ bên trong âm hộ của lợn nái chảy ra chất lỏng màu trong, như nước và chưa có hiện tượng dính như keo.
Ngày động dục thứ 2
Dấu hiệu ở ngày thứ 2 có sự thay đổi rõ rệt ở buổi sáng và buổi chiều. Buổi sáng khi có người động vào lợn vẫn chưa chịu đứng yên. Tuy nhiên chúng đã không còn kêu nhiều như ngày đầu tiên.
Sang buổi chiều lợn đã chịu đứng yên khi chạm vào, tư thế sẵn sàng cho việc phối giống. Âm hộ của lợn lúc này cũng bớt sưng hơn so với ngày đầu tiên. Nước từ trong sáng dạng nhầy, giống keo dính.
Ngày động dục thứ 3
Sang ngày thứ 3 lợn nái bắt đầu trở về trạng thái bình thường. Đuôi lợn cụp lại che phần âm hộ. Âm hộ không còn sưng hồng, nước nhờn ít và không thích gần lợn đực.
Thời điểm phối giống hiệu quả
Thời điểm thích hợp nhất để các bạn có thể phối giống cho lợn nái là vào ngày thứ 2. Lúc này nước nhờn có tác dụng rất lớn trong việc dẫn tinh dịch của lợn đực. Tỷ lệ thành công thụ thai vào ngày thứ 2 là cao nhất. Đồng thời việc thụ tinh cho lợn nái vào ngày thứ 2 cũng dễ dàng hơn so với ngày thứ 1 và ngày thứ 3.
Kỹ thuật phối giống cho lợn nái
Phối giống cho lợn nái lần đầu động dục
Trên thực tế người ta thường không phối giống cho lợn nái ở ngay lần động dục đầu tiên. Bởi lúc này cơ thể của lợn nái vẫn chưa phát triển một cách hoàn chỉnh. Trong lần động dục đầu tiên số trứng của lợn nái vẫn còn ít. Nếu phối giống lúc này thì số lượng con đẻ ra sẽ không được nhiều.
Các bạn nên phối giống cho lợn sau khi đã trải qua 2 đến 3 lần động dục. Khi xác định được thời điểm thích hợp các bạn hãy tiến hành phối giống cho lợn ngay. Sau 12 giờ nên phối giống lại một lần nữa để hiệu quả đạt được là tốt nhất.
Phối giống cho lợn nái đã đẻ từ 2 lứa trở lên
Đối với những lợn nái đã đẻ từ 2 lứa trở lên thì các bạn có thể phối giống theo 2 cách như sau:
Phối giống trực tiếp
Đối với phương pháp này các bạn sẽ không cần mất nhiều thời gian và công sức để phối giống cho lợn nái. Tuy nhiên không thể phối giống cho nhiều lợn nái cùng một lúc. Và các bạn cũng không thể lựa chọn được những lợn đực có chất lượng giống tốt nhất. Bởi khối lượng và kích thước của lợn nái lớn hơn nhiều so với lợn đực.
Phối giống nhân tạo
Ưu điểm của phương pháp này đó chính là có thể phối giống cho nhiều lợn nái cùng lúc. Đồng thời các bạn cũng không tốn thời gian vận chuyển lợn đực. Hạn chế được khả năng lây bệnh của lợn đực sang lợn cái. Tuy nhiên với phương pháp này cần có người đã được đào tạo về chuyên môn để thực hiện.
Với việc thụ tinh nhân tạo, các bạn cần bảo quản tốt tinh dịch của lợn đực. Nhiệt độ tối ưu vào khoảng 20 độ C, tinh dịch được đựng trong lọ thuỷ tinh. Hạn chế các động tác gây tạo bọt cho tinh dịch.
Lợn nái trước khi được phối giống cần vệ sinh sạch sẽ âm hộ, bôi vaseline vào cửa âm hộ để việc thực hiện trở nên dễ dàng hơn. Làm ấm tinh dịch khoảng 35 độ C trước khi đưa vào cơ thể lợn nái.
Sử dụng các thiết bị chuyên dụng đưa tinh dịch lợn đực vào bên trong âm hộ. Khi có cảm nhận bị cản lại thì kéo lại một chút và bơm tinh dịch vào bên trong. Sau khi đã thụ tinh xong cần giữ cho lợn đứng yên trong khoảng 2-3 phút để tinh dịch có thể vào hết.
Dấu hiệu lợn nái có thai
Sau khi thụ tinh xong các bạn cần theo dõi xem lợn có mang thai hay không. Những dấu hiệu mang thai ở lợn cũng tương tự như dấu hiệu mang thai ở bò. Vậy những dấu hiệu nào cho biết rằng heo nái đã mang thai. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
- Xác định thời điểm phối giống cho lợn lần cuối cùng.
- Theo dõi xem sau khi phối giống lợn có dấu hiệu động dục lại hay không. Kể từ lúc phối giống khoảng 21 ngày nếu lợn nái không có biểu hiện động dục lại thì khả năng rất cao là lợn đã mang thai.
- Khi lợn nái có thai thường có dấu hiệu nằm sấp. Các chân của lợn có biểu hiện bị phù nề. Vú to lên do tuyến sữa bắt đầu hoạt động. Trong giai đoạn này lợn trầm tính hơn hẳn, ăn uống tốt và ngủ nhiều hơn so với những ngày thường. Dấu hiệu quan trọng nhất là sau một thời gian bụng của lợn bắt đầu to ra.
- Nếu nuôi lợn theo quy mô công nghiệp, người ta thường xác định lợn có thai thông qua các xét nghiệm lâm sàng, xét nghiệm nước tiểu.
Lợn nái mang thai trong bao lâu
Tùy thuộc vào từng con lợn mà số ngày mang thai sẽ có sự chênh lệch nhất định. Đối với những con lợn bình thường thì sau khoảng 114 hoặc 115 ngày sẽ sinh con. Tuy nhiên ở một số con lợn nái có vấn đề, số ngày mang thai sẽ dài ra hoặc cũng có thể ngắn hơn.
Trên thực tế nếu heo nái đẻ sớm trên 8 ngày thì tỷ lệ sống sót của lợn con là rất thấp. Nếu đẻ muộn khoảng 2 đến 7 ngày thì lợn con vẫn có khả năng sống sót.
Cách chăm sóc lợn nái có thai
Trong thời kỳ mang thai, lợn nái cần được chăm sóc một cách cẩn thận. Chế độ chăm sóc ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng lợn con và sức khỏe sinh sản của lợn mẹ.
Làm chuồng cho lợn nái có thai
Nơi ở là vấn đề rất quan trọng cho lợn nái trong thời kỳ mang thai. Các bạn cần xây chuồng cho lợn nái ở những nơi thoáng mát, không để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào chuồng. Chuồng có diện tích rộng rãi và cách xa so với những ồn ào. Bởi trong quá trình mang thai lợn nái rất dị ứng với tiếng ồn.
Cần vệ sinh chuồng sạch sẽ để đảm bảo không cho vi khuẩn, virus phát triển gây bệnh cho lợn mẹ. Lót thêm rơm, rạ, lá khô vào chuồng để giữ ấm cho lợn nái.
Thức ăn cho lợn nái có thai
Thức ăn cho lợn nái giúp chất lượng sữa tốt hơn. Đồng thời nó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của lợn con sau khi chào đời. Thức ăn của lợn phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Cần bổ sung thêm canxi để giúp xương và răng của lợn con phát triển toàn diện. Ngoài ra nên cho lợn uống thêm vitamin để tăng sức đề kháng.
Không cho lợn nái ăn những thức ăn ôi thiu, ẩm mốc. Bởi nếu để lợn ăn phải những loại thức ăn này sẽ rất dễ sảy thai.
Nếu lợn nái có thai vào mùa đông thì các bạn cần tăng lượng thức ăn lên. Do lợn cần lấy năng lượng để chống lạnh. Không cho lợn ăn bã rượu hoặc những ăn có chứa cồn bởi có thể gây sảy thai ở lợn nái.
Chế độ tắm rửa lợn nái có thai
Trong thời kỳ mang thai lợn nái rất hay khó chịu trong người. Vào thời tiết nắng nóng các bạn nên tắm thường xuyên để giúp lợn mát mẻ hơn.
Chế độ vận động ở lợn nái có thai
Trong thời kỳ đầu của thai kỳ các bạn nên để lợn đi dạo hằng ngày. Mỗi ngày khoảng 2 lần vào lúc trời mát mẻ. Khi đến những tháng tiếp theo thì chỉ nên cho lợn đi dạo 1 lần 1 ngày.
Thời gian vận động cũng giảm dần. Khi xác định được ngày dự định sinh ở lợn nái thì ngừng cho lợn đi dạo trước 2-3 ngày sinh.
Trong thời gian mang thai các bạn không nên để lợn gặp kích động, chạy nhảy từ chỗ này sang chỗ khác gây động thai.
Tiêm phòng cho lợn nái có thai
Nên tiêm phòng cho lợn các loại vacxin phòng chống các bệnh như: thương hàn, tả, tụ trùng huyết,….
Chú ý không nên tiêm phòng cho lợn nái đang mang thai ở tháng thứ 1 và tháng thứ 4. Bởi đây là thời điểm nhạy cảm, nếu tiêm có thể gây sảy thai hoặc chết thai.
Các bạn nên tiêm phòng cho lợn vào trước ngày phối giống khoảng nửa tháng hoặc tiêm sau khi lợn con đã cai sữa.
Trong quá trình nuôi lợn việc xác định thời điểm phối giống và thời kỳ mang thai của lợn là rất quan trọng. Thông qua bài viết trên hy vọng các bạn đã có thêm kiến thức về cách xác định và chăm sóc lợn nái có thai.
Theo: Nguyễn Hiền