Theo Hùng Anh/Báo SGTT
Theo kỹ sư Đoàn Kim Sơn,…
Kỹ sư Đoàn Kim Sơn mới hai mươi tám tuổi, nhưng đã có trong tay hai trại nuôi kỳ đà, mỗi năm bán gần 1.500 con giống và xuất khẩu đến năm tấn kỳ đà thịt sang Trung Quốc
Năm 2005, khi Đoàn Kim Sơn về quê ở ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) thuê thợ xây những dãy chuồng bằng ximăng trong vườn dừa của cha mẹ, hàng xóm nhìn sang không hiểu chàng kỹ sư trẻ tốt nghiệp khoa công nghệ thực phẩm đại học Nông lâm TP.HCM định nuôi con gì. Vài tháng sau, thiên hạ bất ngờ khi thấy Sơn thả nuôi “hàng độc”: kỳ đà.
Kỳ đà qua Trung Quốc
Sơn cho biết: “Lũ bò sát này coi vậy mà dễ nuôi. Chúng ăn tạp, từ cá, ốc, ruột gà, ruột vịt… đến trùn, thứ gì cũng xơi, nhưng khoái nhất là cá biển. Chỉ cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thì kỳ đà chẳng bao giờ bị bệnh”.
Hiện nay, ngoài trại kỳ đà ở Lương Hòa Lạc (Tiền Giang), Kim Sơn còn có một trại ở ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn (TP.HCM) với hơn 400 con kỳ đà sinh sản và hàng trăm kỳ đà thịt. Mỗi năm Sơn bán ra thị trường khoảng 1.500 con giống và xuất khẩu bốn đến năm tấn kỳ đà thịt sang Trung Quốc. Sơn cho biết, kỳ đà giống bán với giá 350.000đ/kg, nhưng không đủ cung cho thị trường. Trong khi đó nuôi kỳ đà thịt, cho ăn, chăm sóc tốt thì chỉ vài tháng là đạt trọng lượng 3,5 – 4kg/con, giá bán từ 280.000 – 350.000đ/kg. Ngoài thị trường Trung Quốc, hiện nay các nhà hàng đặc sản nội địa cũng tiêu thụ kỳ đà thịt rất mạnh, đơn đặt hàng liên tục nhưng không có đủ để cung ứng.
Từ ếch “đẻ” ra kỳ đà
Nói về chuyện nuôi kỳ đà, Sơn kể: “Năm 2001 tôi thi đậu vào khoa công nghệ thực phẩm. Hai năm đầu sau khi vừa học vừa làm tôi dành dụm được một số tiền nho nhỏ. Đến năm 2003, lúc phong trào nuôi ếch Thái Lan phát triển mạnh, tôi dốc hết vốn của mình, mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình dưới quê thế chấp ngân hàng, vay tiền thuê lại một xưởng vôi rộng 300m2 ở đường Lũy Bán Bích, TP.HCM mở trại nuôi ếch, bán ếch giống. Trầy trật một thời gian và thành công với con ếch ở thành phố, tôi quyết định gom vốn về Long An tiếp tục thuê đất mở trại nuôi ếch”.
Sơn cho biết, suốt năm 2004, anh cứ tiếc hùi hụi sau khi lấy đùi ếch xuất khẩu, phần thân trên của ếch bỏ hết đi thật phí của, nên quyết chí tìm cách tận dụng. Tham khảo nhiều nơi, nuôi thử nhiều loài vật, cuối cùng Sơn chọn nuôi con kỳ đà là loài ăn tạp, không chê thịt ếch. Lúc đó, không có con giống, Sơn tìm đến chi cục kiểm lâm các tỉnh xin mua kỳ đà thanh lý, mang về chăm sóc, xin giấy phép nuôi kỳ đà hợp pháp. “Nói thì dễ chứ hồi đó mua kỳ đà thanh lý về nuôi, mười con chết hết bảy, tám vì chúng bị nhốt lâu ngày, kiệt sức. Những con còn sống sót phải o bế, chăm sóc như trứng mỏng”, Sơn nhớ lại.
Có được những con kỳ đà bố mẹ, nhưng bao nhiêu trứng kỳ đà đẻ ra đều hư hết bấy nhiêu, vì Sơn chưa biết rõ quá trình sinh sản ấp trứng của chúng. Không chịu thua, chàng sinh viên trẻ khoác balô lặn lội lên tận Cát Tiên (Đồng Nai), cùng người quen vào rừng tìm xem kỳ đà hoang dã sinh sản ra sao. Sơn kể: “Lúc đó tôi mới biết kỳ đà chỉ đẻ trứng trong bọng cây hoặc hốc cát, liền tìm cách đo bằng được nhiệt độ, độ ẩm ở những ổ kỳ đà hoang dã, về áp dụng. Cuối năm 2005, tôi cho nở được lứa kỳ đà đầu tiên, mừng như bắt được vàng, liền về quê ở Tiền Giang mượn đất của gia đình xây chuồng, nuôi kỳ đà trên quy mô lớn”. Khi nuôi kỳ đà với số lượng lớn, chuyện thức ăn cho loài bò sát này trở nên căng thẳng, Kim Sơn thử mua cá biển (cá tạp) cho chúng ăn, chẳng ngờ không con nào chê, vậy là giải quyết được vấn đề. Sơn cho biết: “Một ký cá tạp chỉ tốn 5.000 – 8.000đ. Cứ năm ký cá biển thì được một ký thịt kỳ đà, rẻ chán”.