Báo Đỗ Trường/Báo Bình Dương
Ông Trương Văn Bùi giới…Gọi là gà H’mông vì chúng được đồng bào dân tộc H’mông, sinh sống ở vùng núi Tây Bắc như Lai Châu, Sơn La… nuôi để lấy thịt, trứng làm thức ăn hàng ngày.
Người H’mông thường dùng thịt gà trong các bữa tiệc để đãi khách ở dưới xuôi lên. Ngoài việc sử dụng làm thực phẩm, người H’mông cũng dùng giống gà này để chữa bệnh, nấu cao bồi bổ sức khỏe.
Gà H’mông có nhiều ưu điểm và đem lại giá trị kinh tế cao. Tại Bình Dương, trang trại của gia đình ông Trương Văn Bùi ở xã Cây Trường, huyện Bến Cát nuôi nhiều loại gà này. Ngoài việc dùng làm thực phẩm trong gia đình, ông Bùi còn bán cho dân trong vùng làm giống và phục vụ thực khách trong nhà hàng của chính mình.
Cách đây khoảng một năm, ông Trương Văn Bùi cùng với người em vợ đã lặn lội đi tìm giống gà này về nuôi thử. Thật bất ngờ, không những giống gà này thích nghi được ở Bình Dương mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, giá bán từ 100.000 – 120.000 đồng/kg. Ông Bùi cho biết, cách nuôi cũng đơn giản như nuôi gà ta. Ban ngày, gà được thả rong tự kiếm ăn, tối về chuồng hoặc đậu trên cây để ngủ. Gà đẻ trứng ở mức độ trung bình, khoảng từ 8 – 10 trứng/lứa và tự ấp trứng. Thức ăn là giun, dế, bắp và các loại rau quanh vườn, ít khi phải cho ăn thêm. Ở trang trại của ông, gà nhặt cả thức ăn rơi vãi xung quanh máng. Chúng thích uống nước chảy nên thường tập trung khi bơm hoặc vẩy nước. Gà H’mông thích phơi nắng, thích bay nhảy, gáy nhiều, hay đánh nhau; không sợ gió mưa hay sấm chớp, tiếng động nhưng sợ nhất khi bị đuổi bắt, sự chuyển động nhanh bất thường của con người.
Theo các cán bộ chăn nuôi – thú y, gà H’mông kháng bệnh tốt, có thể trọng trung bình, tốc độ lớn nhanh hơn gà ta, đặc biệt trong điều kiện được chăm sóc tốt. Gà mái trưởng thành cân nặng 1,2 -1,5kg/con, con trống nặng 1,5 – 2kg/con. Gà H’mông da dày giòn, thịt không nhũn như gà công nghiệp, săn nhưng không dai như thịt vịt xiêm. Đặc biệt, lượng axit glutamic cao tới 3,87%, vượt trội hơn gà ta và gà ác nên thịt gà có vị ngọt đậm, nhưng lượng sắt lại thấp, hàm lượng mỡ khá thấp (0,38%), nên thường ăn không ngán. Gà H’mông có thể nuôi nhỏ lẻ một vài con nhưng cũng có thể nuôi thành đàn và nuôi tập trung như gà công nghiệp.
Qua một năm nuôi thử loại gà này, gia đình ông Bùi đã phát triển đàn gà lên hàng trăm con và còn đưa về Bến Tre để nuôi thử. Hiện ở một số tỉnh, thành như TP.HCM, Long An, Tiền Giang cũng đang nuôi loại gà này với số lượng lớn, có trại lên đến hàng ngàn con.
Co so dt lien lạc k a e dinh mua it ve nuôi