Bạn đã bao giờ nghe đến tục kéo vợ (bắt vợ) của đồng bào Mông ở Mù Sang, Lai Châu chưa? Đó là phong tục tập quán lâu đời của dân tộc nơi đây. Cho đến nay bản sắc văn hóa ấy vẫn được lưu giữ, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo thời gian tập tục đã có nhiều thay đổi cho phù hợp với điều kiện sống. Tuy nhiên, nó vẫn giữ được cái tinh túy, cái gốc của truyền thống xưa.
Người H’Mông thách cưới
Đàn ông lấy được vợ không hề dễ, vì người dân tộc H’Mông trước kia thường thách cưới nhà nam. Trước khi “rước vợ về dinh”, đằng trai phải chuẩn bị đầy đủ sính lễ. Cụ thể là: 150kg thịt heo, 150 bát rượu đầy, 25kg gạo lúa thơm và còn nhiều sản phẩm khác nữa.
Ngày nay khi xã hội “cởi mở” hơn, trai gái người H’Mông được tự do yêu đương và lấy nhau theo ý muốn của mình. Nếu tình cảm của hai đã chín muồi và muốn về chung một nhà. Chàng trai sẽ hẹn cô gái đến phiên chợ ở Mù Sang. Sau đó “bắt” nàng ấy về nhà mình. Lễ ăn hỏi và lễ cưới sẽ được tiến hành theo sự sắp xếp của bố mẹ hai bên.
Quy trình “bắt vợ” diễn ra thế nào?
Kế hoạch bắt vợ của chàng trai cô gái không hề được biết trước. Nếu ưng ý một ai đó và được nàng chấp thuận, chàng trai về báo cáo với gia đình và lên kế hoạch “kéo” người mình thương về nhà. Vào một buổi hẹn hò nào đó, khi cả hai đang nhỏ to tâm sự. Cô gái bất ngờ bị chàng trai cùng một vài người bạn của chồng tương lai khiêng về nhà.
Khi tới nhà bạn trai, cô gái sẽ ra mắt toàn bộ họ hàng của người yêu. Gia đình nhà trai sẽ làm lễ chứng nhận tình yêu của cả hai. Theo văn hóa của người H’Mông gọi đó là “quét phép”. Cũng trong buổi gặp mặt này nhà trai sẽ mời một người hàng xóm tới làm chứng. Sau đó người này đến thông báo với nhà cô gái rằng cả hai đã hẹn hò, qua lại với nhau.
Có một điều đặc biệt là mặc dù chàng trai đã kéo cô gái về nhà nhưng nếu cô gái không chấp thuận cả hai sẽ đường ai nấy đi, không có gì ràng buộc. Trường hợp sau lễ quét phép cô gái đồng ý lấy chàng trai, như vậy bên nhà nam sẽ chuẩn bị các sính lễ để tổ chức cưới hỏi. Ngược lại, không đồng ý cô gái sẽ mời chàng trai uống 1 bát rượu và bản thân cũng uống 1 ly để xin lỗi cũng như cảm ơn đã quan tâm, để ý tới mình.
Có thể nói tục kéo vợ của người H’Mông ở Mù Sang khá văn minh và thú vị. Bởi tình yêu dựa trên sự tự do, bình đẳng, không ép buộc. Nam nữ được tìm hiểu, hẹn hò với nhau mà không phải nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ.
Lễ cưới ăn mừng đã kéo được vợ
Lễ cưới người H’Mông gọi là Sì chin hâu ché. Sính lễ sẽ được nhà trai mang tới nhà gái từ chiều hôm trước diễn ra ngày cưới. Khác với truyền thống xưa, lễ vật khắt khe, đòi hỏi quá cao. Ngày nay lễ cưới đã có phần giảm nhẹ hơn, ở một số gia đình tùy vào hoàn cảnh mà họ ra lễ vật cho phù hợp.
Bình thường lễ cưới bên nhà nam sẽ là tiền (700 ngàn đồng), 70kg thịt heo, 70 bát rượu trắng, 70 bắp ngô nếp… Trong lễ dẫn cưới, con gà trống là thứ quan trọng có ý nghĩa nhất. Con gà phải có hình thức đẹp, to, vàng ươm. Người H’Mông tin rằng gà càng có kích thước lớn, càng được trau chuốt cẩn thận thì nhà nam càng tôn trọng, yêu thương con gái mình.
Lễ hỏi, đón dâu diễn ra vào buổi sáng ngày hôm sau. Nghi thức mang đậm văn hóa, truyền thống của dân tộc H’Mông. Điều này thể hiện rõ qua những bộ trang phục nhiều màu sắc rực rỡ. Ví dụ như mũ, váy hoa, vòng bạc cổ, tay hay cách trang điểm… Hơn nữa còn có mâm cơm cúng gia tiên trong ngày đón con dâu về. Mâm cơm có đầy đủ rượu thịt, xôi gà, bánh trái… Đó là biểu tượng tâm linh không thể thiếu trong ngày lễ trọng đại.
Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa riêng. Dân tộc H’Mông cũng vậy có rất nhiều tục lệ đặc trưng cho đến nay vẫn lưu giữ. Tuy khắt khe, khuôn khổ nhưng người Mông vẫn có được những nét đẹp, thói quen tốt đáng khen ngợi. Ví dụ như luôn coi trọng tình cảm gia đình, hôn nhân một vợ một chồng hạnh phúc. Anh em họ hàng máu mủ ruột thịt luôn biết đùm bọc, quan tâm, đoàn kết với nhau.
Tục kéo vợ của người H’Mông ở Mù Sang cần được giữ gìn và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là văn hóa đẹp, nổi bật của người Mông nói riêng và Việt Nam nói chung.