Một trong những giai đoạn khó nhất khi nuôi gà chính là chăm sóc cho đàn gà con. Bởi gà còn nhỏ, sức đề kháng yếu rất dễ mắc các loại bệnh khác nhau, đặc biệt là bệnh do nhiễm khuẩn và virus. Tình trạng phổ biến mà bà con nông dân thường gặp nhất là gà con đi ngoài phân có bọt.
Mục lục nội dung
Triệu chứng
Hiện tượng gà đi ngoài phân có bọt thường đi kèm với một số triệu chứng bệnh khác như hen, chảy nước mũi, xù lông sã cánh và rất kém ăn. Gà sụt cân nhanh chóng và thường xuyên ủ rũ, để lâu ngày bệnh nặng hơn có thể gây chết gà.
Với các triệu chứng gà con đi ngoài phân có bọt và xù lông, hen… như trên, gà có thể đã mắc kép 2 bệnh là bệnh CRD ghép E.Coli.
- CRD là bệnh hô hấp mãn tính, có thể liên quan đến hen. Thông thường 2 bệnh này hay đi đôi với nhau, và nguyên nhân chính xuất phát từ vệ sinh kém.
- Để điều trị hen hiệu quả thì bà con cần hết sức chú ý đến điều kiện chăn nuôi. Nếu nuôi thả thì không được thả gà ra ngoài trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, lạnh giá hoặc ẩm ướt. Còn nếu nuôi nhốt thì cần giữ ấm cho gà và đảm bảo chất độn chuồng phải luôn tơi xốp, thông thoáng để hạn chế tối đa bệnh dịch ở gà con.
Phương pháp điều trị
- Về phương pháp điều trị thì bà con có thể cho gà uống Tylosin kết hợp với Ampicoly với liều lượng 1g/lít mỗi loại, hòa lẫn với nhau và cho uống liên tục 1 tuần. Nếu gà không khỏi thì có thể ngưng 1 tuần rồi cho uống lại theo liều như vậy.
- Ngoài ra, cũng có thể cho uống kháng sinh kép là Gentadox hoặc Tylandox, liều dùng 1g/2 lít, cho gà uống 7 ngày và cũng có thể ngắt đoạn nếu nhịp đầu không hiệu quả.
Trong quá trình điều trị bệnh hen nói riêng và tất cả các chứng bệnh khác ở gà nói chung thì cần bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất như Becomplex, đồng thời sử dụng kết hợp các loại thuốc long đờm để gà nhanh khỏi bệnh.
Một số bệnh thường gặp ở gà
Ngoài các bệnh như hen, gà con đi ngoài phân có bọt…, đàn gà còn có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh phổ biến khác, chẳng hạn như:
Bệnh tụ huyết trùng
Gà mắc bệnh tụ huyết trùng có triệu chứng thở khó, khò khè thành tiếng, sưng ở phần mặt và đầu. Bệnh này có thể lây truyền rất nhanh, do đó ngay khi phát hiện có gà bệnh thì cần cách ly chúng khỏi những con khỏe mạnh.
Để điều trị thì bà con cần tiêm vắc-xin cho gà định kỳ và tiêm kháng sinh nhẹ như Tetracilin, Furazolidon…
Bệnh bạch lỵ thương hàn
Biểu hiện đặc trưng của bệnh này là gà đi ngoài phân trắng. Gà ủ rũ, bụng phình, đi lại vận động khó khăn. Bạch lỵ thương hàn là chứng bệnh truyền nhiễm lây lan rất nhanh ở đa số các loài gia cầm.
Để điều trị hiệu quả bệnh này, bà con cần cách ly những con gà mắc bệnh, đồng thời sử dụng thuốc Ampicolin, Bcomplex, men tiêu hóa cho gà trong thời gian từ 7-10 ngày.
Giun sán
Giun sán rất dễ xâm nhập và tấn công gà qua đường thức ăn, nước uống và do môi trường nuôi nhốt/thả kém vệ sinh. Một số loại giun gây ra tình trạng phân loãng, đi ngoài ra máu, khiến gà còi cọc, chậm lớn. Trường hợp này nên sử dụng các loại thuốc diệt trừ giun sán và ấu trùng như Arecolin hoặc Bromosalaxilamit. Liều dùng tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất trên bao bì.
Câu hỏi
Gà 5 ngày tuổi gà đi ngoài phân sáp vàng có bọt có phải gà đã mắc bệnh cầu trùng ruột non không và thời tiết nóng có nên bật quạt cho gà không?
Với câu hỏi trên, chuyên gia đã tư vấn như sau:
-Gà 5 ngày tuổi chưa mắc bệnh cầu trùng ruột non.
-Gà đi phân có bọt kèm theo biểu hiện khô chân thì tiêm: LINCOSPECTO
-Nếu gà đi phân có bọt, chân vẫn mỡ màng thì cho uống: OXYTETRACYCLINE hoặc DOXYCYCLINE
-Bổ sung thêm: VITAMIN + MEN TIÊU HÓA + thuốc trợ sức, trợ lực cho gà.
*Chú ý: Nhiệt độ quây úm phù hợp với gà con là 33 độ C
-Với nhiệt độ môi trường 35-37 độ C thì nhiệt độ trong chuồng khoảng 30-32 độ C thì không cần phải bật quạt.
-Khi gà lớn lên, thời tiết nóng, chuồng bí không thông thoáng, gà há mỏ, sã cánh thì có thể dùng quạt ở phía ngoài để lưu thông không khí.
-Không dùng quạt thốc trực tiếp vào đàn gà.