Tiền Giang : Khóm phụng, khóm son ẩn mình chờ tết

Khóm phụng là loại khóm làm cảnh, người ta mua khóm phụng để chưng mâm ngũ quả dịp tết hoặc trong các đám tiệc. Mặc dù trái đầy xơ, dai nhách, ăn dở ẹc, chua lè nhưng giá thì cao ngất.

Những ngày này, hơn 100 gia đình chuyên trồng khóm phụng, khóm son ở xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đang rộn rịp trên những cánh vườn, chăm sóc từng trái một khi mùa tết đang đến gần.

200.000 đồng một tráiTrời nắng chang chang nhưng ông Hà Văn Bảy, chủ 400 gốc khóm phụng ở ấp Mỹ Lộc vẫn kiên nhẫn dùng bình xịt phun sương để tăm phân bón lá cho từng trái khóm. Nhìn những trái khóm bắt đầu nên hình nên dáng, màu đỏ bắt mắt, nhiều trái đã mọc lên những chiếc mào sặc sỡ, ông Bảy cười khà khà: “Thời điểm này mà khóm tốt như vầy thì năm nay chắc thành công. Tui ráng chịu khó o bế đám khóm để có tiền sắm tết cho mấy đứa nhỏ”.

Làng chuyên trồng khóm phụng ở xã Thạnh Mỹ trải dài qua ba ấp Mỹ Lộc, Mỹ Hoà, Mỹ Thuận, nằm lọt trong vùng chuyên canh cây khóm của huyện Tân Phước, giữa ruột Đồng Tháp Mười. Ông Nguyễn Hữu Soi (Ba Soi), người đầu tiên đưa cây khóm phụng về trồng trên đất Thạnh Mỹ hồi năm 1992, nói đây là giống khóm ở tận Cần Thơ.

Ban đầu chỉ có ông Ba Soi trồng khóm phụng, nhưng sau gần 20 năm xuất hiện trên vùng khóm Tiền Giang, cả xã Thạnh Mỹ cũng chỉ có chưa đầy 100 gia đình trồng loại cây đặc sản này, vì quá trình đầu tư, chăm sóc rất nhọc. “Mỗi năm một cây khóm phụng chỉ cho một trái, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch mất đúng 12 tháng, giá cây giống rất cao, đến 20.000 đồng/gốc. Để trái khóm phụng đạt tiêu chuẩn, phải chăm sóc rất công phu, o bế từng trái như chăm con mọn, bởi nếu thực hiện sai một khâu nào đó thì trái khóm không thành hình con phụng mà biến thành con gà, con chim, không bán cho ai được, coi như trắng tay. Bởi vậy, nhiều người ngại trồng”, ông Ba Soi cho biết.

Nên xem:   Chăn nuôi gà hữu cơ là gì?

Theo ông Ba Soi, một trái khóm phụng đạt tiêu chuẩn phải nặng từ 4 – 6kg, có hình dáng kỳ vĩ, trên đầu có mào rực rỡ, xung quanh trái mẹ phải có nhiều trái con có hình dáng tương tự trái mẹ. Giá bán một trái khóm phụng đạt tiêu chuẩn tại vườn bình quân từ 70.000 – 150.000 đồng tuỳ hình dáng, kích cỡ, nét đẹp. Cá biệt có những trái khóm thuộc loại xuất sắc, giá thu mua của thương lái lên đến hơn 200.000 đồng/trái.

Đắt như… vé tàu tết

Theo ông Nguyễn Văn Thọ, phó chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, vì trồng khóm phụng quá công phu nên nhà nông trong xã chọn cách trồng xen loại cây đặc sản này trong vườn, mỗi nhà vài trăm gốc, do đó không thể thống kê được diện tích. Tuy vậy, nhiều năm nay, khóm phụng là nguồn thu nhập đáng kể của nhà nông trong dịp tết. “Những người trồng khóm phụng trong xã không cần phải mang sản phẩm ra chợ. Năm nào cũng vậy, cứ đến 24 – 25 tháng chạp là thương lái từ các nơi đổ xô vào Thạnh Mỹ lùng mua khóm phụng. Có năm mất mùa, họ giành giật nhau từng trái, đẹp xấu gì cũng gom hết, giá cả đẩy lên cao ngất”, ông Thọ nói.

Ngoài sản phẩm khóm phụng bán tết, hai năm nay vùng chuyên canh khóm Thạnh Mỹ còn xuất hiện sản phẩm khóm son, trái to và có màu đỏ rực như màu son nên nhiều người rất chuộng. Đây cũng là một đặc sản được thương lái đặt hàng bán tết, nên hiện nay ở Thạnh Mỹ có rất nhiều gia đình trồng khóm son. “Trồng khóm son bán tết tuy giá không bằng khóm phụng, bình quân khoảng 20.000 – 30.000 đồng/trái, nhưng công chăm sóc nhẹ hơn, nông dân trồng số lượng lớn vẫn có thể làm giàu trong dịp tết”, ông Nguyễn Văn Thanh, cán bộ nông nghiệp xã Thạnh Mỹ, cho biết.

Rate this post

Bài viết liên quan

Thêm bình luận