Nông thôn là gì? Xây dựng nông thôn mới là gì?

Nông thôn là gì?

Vùng nông thôn là khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn phường thuộc thị xã, quận và thành phố và được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là Ủy ban nhân dân xã.

Nông thôn Việt Nam là danh từ để chỉ những vùng đất mà ở đó, người dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp trên vùng lãnh thổ Việt Nam.

Xây dựng nông thôn mới là gì?

Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất toàn diện (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ); có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Nông thôn mới không chỉ là vấn đề kinh tế – xã hội, mà là vấn đề kinh tế – chính trị tổng hợp.

Xây dựng nông thôn mới giúp cho nông dân có niềm tin, trở nên tích cực, chăm chỉ, đoàn kết giúp đỡ nhau xây dựng nông thôn phát triển giàu đẹp, dân chủ, văn minh.

Căn cứ trên tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (5/8/2008), chính phủ đã xây dựng và triển khai “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. Đây là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng.

Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Theo đó, chương trình đặt ra tham vọng đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 thì con số này được nâng lên thành 50%.

Nên xem:   Lào Cai: Triển khai mô hình nuôi ếch giống Thái Lan

Sự cần thiết phải xây dựng nông thôn mới.

Nhìn vào tình hình của đất nước ta có thể thấy rằng:

– Kết cấu hạ tầng nội thôn (điện, đường, trường, trạm, chợ, thủy lợi), còn nhiều yếu kém, vừa thiếu, vừa không đồng bộ; nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng, tỷ lệ giao thông nông thôn còn hạn chế; giao thông nội đồng ít được quan tâm đầu tư; hệ thống thuỷ lợi cần được đầu tư nâng cấp; chất lượng lưới điện nông thôn chưa thực sự an toàn; cơ sở vật chất về giáo dục, y tế, văn hoá còn rất hạn chế, mạng lưới chợ nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ, trụ sở xã nhiều nơi xuống cấp. Mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đạt chuẩn quốc gia rất khó khăn, dân cư phân bố rải rác, kinh tế hộ kém phát triển.

– Thu nhập của nông dân thấp; số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít; sự liên kết giữa người sản xuất và các thành phần kinh tế khác ở khu vực nông thôn chưa chặt chẽ. Kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã còn nhiều điểm yếu. Tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao, chiếm đa số, cơ hội có việc làm mới tại địa phương không nhiều, tỷ lệ lao động nông lâm nghiệp qua đào tạo thấp; tỷ lệ hộ nghèo trong làng xã còn cao.

– Đời sống tinh thần của nhân dân còn hạn chế, nhiều nét văn hoá truyền thống đang có nguy cơ mai một; nhà ở dân cư còn sơ sài, thiếu tính kiên cố. Hiện nay, kinh tế – xã hội khu vực nông thôn chủ yếu phát triển theo qui mô tự phát, chưa theo quy hoạch.

– Yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, cần 3 yếu tố chính: đất đai, vốn và lao động kỹ thuật. Qua việc xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần triển khai quy hoạch tổng thể, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa.

Nên xem:   Một số giống heo ngoại trên thị trường hiện nay

– Mặt khác, mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Vì vậy, một nước công nghiệp không thể để nông nghiệp, nông thôn lạc hậu, nông dân nghèo khó.

Vì vậy, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa quê hương, đất nước, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân sinh sống ở địa bàn nông thôn.

Các đặc điểm nổi bật của nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020

– Phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao.

– Nông thôn phát triển theo quy hoạch, cơ cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội hiện đại, môi trường sinh thái được bảo vệ.

– Dân trí được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy.

– An ninh tốt, quản lý dân chủ

– Chất lượng hệ thống chính trị được nâng cao.

Kết quả đạt được

Theo kết quả tính đến tháng 11/2015, nước ta có 1298 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 14,5% số xã toàn quốc. So sánh với mục tiêu ban đầu đề ra là đến năm 2015 có 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới thì vẫn chưa đạt được.

Có 11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giữa các vùng, miền tồn tại khoảng cách lớn khi tại Đông Nam Bộ, tỉ lệ xã đạt nông thôn mới là 34%, Đồng bằng sông Hồng đạt 23,5%, Khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên chỉ đạt khoảng 7%.

Tính đến tháng 12/2018, cả nước có 3787 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 42,4%. Như vậy, sau hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã, 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, năm 2018, thu nhập bình quân khu vực nông thôn cả nước đạt khoảng 34-35 triệu đồng/người.

Nên xem:   Rầy nâu và cách chọn thuốc trị rầy nâu hiệu quả

Từ kết quả đạt được, Bộ NN&PTNT đã nhận định mục tiêu dự kiến cuối năm 2019, cả nước sẽ có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là hoàn toàn khả thi và thậm chí là hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Tính đến hết tháng 3/2019, cả nước đã có 4207 xã (đạt 47,19%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 369 xã (4,13%) so với cuối năm 2018, bình quân đạt 14,61 tiêu chí/xã. Trên cả nước không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Ngoài ra, có 66 đơn vị cấp huyện thuộc 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã và đang triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” – OCOP, đồng thời tiếp tục xây dựng hoàn thiện Bộ tiêu chí tạm thời đánh giá xét công nhận sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 – 2020 và tổ chức Diễn đàn kết nối mạng lưới OCOP toàn cầu và hội chợ quốc tế OCOP năm 2019, gắn với Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng Việt Nam.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới TW, nước ta phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ có từ 48-50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 8-10% so với năm 2018 và có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, phải đạt ít nhất 70 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu cả nước không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Theo: Kinh tế nông thôn

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Thêm bình luận