Hồng xiêm rụng hoa, rụng quả? Nguyên nhân và cách khắc phục

Không chỉ chứa lượng phong phú vitamin và khoáng chất, hồng xiêm cũng rất tốt cho sức khỏe đường tiêu hóa. Do đó hồng xiêm đang rất được ưa chuộng đem lại nguồn kinh tế phong phú cho người nông dân. Tuy nhiên trong quá trình trồng, hồng xiêm rụng hoa, rụng quả hoặc nứt quả là những vấn đề thường gặp nếu không chăm sóc tốt. Hãy cùng Niên Giám Nông Nghiệp tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục nhé.

Quả hồng xiêm

Tổng quan về hồng xiêm

Quả hồng xiêm là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời. Quả chứa nhiều đường fructose, sucrose và rất giàu calo. Quả hồng xiêm cũng chứa các vitamin như vitamin C và A, vitamin B, niacin, axit pantothenic và các khoáng chất như kali, đồng và sắt.

Ngoài ra, hồng xiêm cũng giàu chất tannin chống oxy hóa. Quả hồng xiêm cũng được dùng làm thuốc chống tiêu chảy, cầm máu và hỗ trợ chữa bệnh trĩ. Do đó tiêu thụ hồng xiêm ngày càng tăng ở cả Việt Nam và thế giới. Trồng hồng xiêm đang ngày càng phổ biến tại cả miền Nam và miền Bắc nước ta.

Hồng xiêm là cây lâu năm có nguồn gốc từ miền nam Mexico, Trung Mỹ. Sau đó nhanh chóng được trồng phổ biến tại nhiều vùng trên thế giới bao gồm Việt Nam. Thông thường, ở miền Nam nước ta thường gọi là sa bô chê thay vì hồng xiêm như miền Bắc.

Hồng xiêm có thể cao tới hơn 30 m. Thân và lá chứa nhiều mủ trắng thường được gọi là nhựa xiêm. Lá cây có màu xanh và bóng, mọc xen kẽ hình elip. Hoa có màu trắng nhỏ thường dễ bị che khuất bởi lá. Quả chưa chín có màu xám săn chắc và sần sùi.

Hoa hồng xiêm

Mỗi quả chứa từ một đến sáu hạt. Hạt cứng, bóng và đen. Cây có thể sống được trong môi trường nhiệt đới, ấm áp, dễ chết nếu nhiệt độ quá thấp. Cây hồng xiêm có thể cho hai lần một năm, mặc dù có thể ra hoa quanh năm.

Nguyên nhân hồng xiêm rụng hoa, rụng quả

Vấn đề hồng xiêm bị rụng hoa, rụng quả là vấn đề rất thường gặp trong việc canh tác hồng xiêm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới vấn đề này. Bao gồm các yếu tố chủ quan như cắt tỉa, dinh dưỡng cho cây chưa hợp lý. Các yếu tố khách như khí hậu. Cũng Niên Giám Nông Nghiệp tìm hiểu vấn đề này nhé!

Nên xem:   Kĩ thuật chăm sóc cây ổi để cho quả ngọt và không bị rám quả

1. Giống cây trồng

Một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến hồng xiêm bị rụng hoa, rụng quả là giống cây trồng. Giống kém chất lượng hoặc những cây giống được ghép từ những cây mẹ ít quả, không ra quả. Hoặc những cây giống được chiết từ giống không đảm bảo chất lượng cũng sẽ khiến cho vườn hồng xiêm không ra được quả hoặc bị rụng hoa, rụng quả.

2. Thiếu dinh dưỡng

Nguyên nhân tiếp theo có thể khiến hồng xiêm bị rụng hoa, rụng quả đó là thiếu dinh dưỡng. Vốn là một loại cây trồng ưa đất phù sa, cần tương đối nhiều dinh dưỡng trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Do đó chất đất quá rắn và khô cằn, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây, khiến hồng xiêm mất đi khả năng giữ hoa, giữ quả.

3. Thiếu ánh sáng

Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng để cho mọi loại cây trồng nói chung phát triển chứ không riêng gì hồng xiêm. Thiếu ánh sáng cũng có thể là một trong các nguyên nhân khiến hồng xiêm bị rung hoa và rụng quả. Tình trạng này thường xảy ra ở những vườn hồng xiêm trồng với mật độ cao, tán cây nhiều hoặc trồng dưới tán cây khác.

4. Thời tiết thay đổi

Hồng xiêm là một loại cây ăn quả nhiệt đới. Chúng ưa thích khí hậu nhiều nắng và mát mẻ. Hồng xiêm có khả năng chịu lạnh kém. Do đó khi thời tiết thay đổi quá thất thường cũng là một trong những nguyên nhân khiến hồng xiêm bị rụng hoa và rụng quả. Đặc biệt trong tình trạng khí hậu có nhiều biến đổi thất thường, nắng mưa bão lũ không diễn ra theo mùa đang là một trong những yếu tố tác động tới năng suất cây hồng xiêm.

5. Do sâu bệnh

Một trong những nguyên nhân chính khiến cho hồng xiêm bị rụng hoa và quả đó là do sâu bệnh. Một trong các loại sâu thường hay gặp nhất phải kể đến đó là sâu đục hoa. Đây là một loại sâu nhỏ màu hơi nâu hơi đỏ thường sống trong cuống hoa trong giai đoạn ra hoa của cây.

Sâu đục hoa

Loại sâu này sinh trưởng bằng dinh dưỡng trong hoa trưởng thành phát triển thành bướm và thường đẻ trứng vào cuống hoa, cuống quả. Sâu thường cắn phá cuống hoa, noãn và nhụy. Ở những quả non loại sâu này sẽ sinh sống tại cuống khiến hồng xiêm bị sâu cuống tương tự như vải. Đồng thời khiến quả rất dễ bị rụng ở giai đoạn quả non.

Ngoài ra các loại sâu điển hình cắn phá hồng xiêm khác phải kể đến như các loại rệp, rệp trắng, rệp sáp, bọ đục cành, ruồi,… Đây là các loại sâu rất dễ lây lan gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất của hồng xiêm nếu không được loại bỏ kịp thời và đúng cách.

Các bệnh thường gặp trên hồng xiêm phải kể đến như bệnh đốm lá, cháy lá, mốc xanh, mọc trắng,.. Các bệnh này chủ yếu do vi rút hoặc nấm gây ra. Thông thường dấu hiệu khi hồng xiêm gặp phải các bệnh này là lá khô, lá đốm, xuất hiện những đốm xanh, trắng trên thân và lá. Lá bị hỏng dẫn tới quá trình trao đổi chất của cây gián đoạn, không đủ dinh dưỡng có thể dẫn đến tới tình trạng cây bị rụng hoa, rụng quả.

Nên xem:   Khắc phục cây cam bị vàng lá, gân không xanh

Cách khắc phục hồng xiêm rụng hoa, rụng quả

Qua việc tìm hiểu các nguyên nhân, Niên Giám Nông Nghiệp xin gửi tới bà con nông dân một số các biện pháp để khắc phục tình trạng này như sau:

1. Chọn giống cây trồng

Giống cây trồng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất của hồng xiêm. Do đó ngay từ khi bắt đầu kế hoạch trồng hồng xiêm bà con nên chú ý chọn những cây giống từ những vườn cung cấp có uy tín. Hoặc là mua giống đảm bảo chất lượng. Tránh những giống cây không chuẩn, có thể khiến hồng xiêm không ra hoa, ra quả hoặc ra hoa nhưng lại rụng hoa, rụng quả.

Giống cây hồng xiêm

2. Tưới nước hợp lý cho cây

Một chế độ tưới nước hợp lý cho hồng xiêm có thể hạn chế tình trạng rụng hoa, rụng quả. Mặc dù hồng xiêm chịu hạn tương đối tốt tuy nhiên để đạt năng suất cao thì bạn nên thường xuyên kiểm tra tình trạng nước tại vườn hồng xiêm của bạn. Trời mùa khô nên tăng tần suất tưới cây còn vào mùa mưa nên giảm tần suất tưới.

Một kinh nghiệm tưới nước được những bà con trồng hồng xiêm chia sẻ lại là nhìn vào đất xung quanh gốc cây. Bà con nên bón cho cây hồng xiêm mỗi năm một lần loại đất bùn ao. Không chỉ giúp tăng cường dinh dưỡng mà đây còn là loại đất giúp người nông dân dễ nhận ra khi cây thiếu nước.

Đặc biệt là nên bón vào phần hình chiếu của tán cây dưới đất. Vào mùa khô, khi lớp bùn trên mặt đất bắt đầu nứt nẻ, là lúc cây hồng xiêm đang thiếu nước, cần bổ sung thêm nước cho cây. Thông thường lượng nước tưới cho thấm đẫm phần bùn bón là vừa đủ.

3. Cắt tỉa cây hợp lý hằng năm

Cắt tỉa cho cây hồng xiêm nên được thực hiện mỗi năm một lần. Sau vụ thu hoạch loại bỏ cành già, cành có sức sống kém đồng thời tạo tạo tán hợp lý cho cây. Việc cắt tỉa hàng năm sẽ tránh tán cây quá dày, giúp cây có đủ sức sống nuôi hoa nuôi quả. Tránh được tình trạng rụng hoa, rụng quả do cây bị quá sức nuôi thân.

4. Dinh dưỡng hợp lý cho cây hồng xiêm

Cải thiện đất trồng

Với khu vực đất cằn cỗi, người nông dân nên cải thiện đất trước khi trồng cây. Hiện nay có nhiều nguồn cung cấp đất phù sa, bạn có thể mua đổ vào vườn để cải thiện chất lượng đất. Bón thêm phân chuồng hoai mục để tăng độ phì nhiêu cho đất. Thường xuyên bổ sung phân chuồng, mùn hữu cơ, phân vi sinh hàng năm.

Nên xem:   Cách diệt sâu đục thân hại cây mít

Bổ sung phân bón

Việc bón phân cho hồng xiêm nên được thực hiện theo chế độ trong suốt quá trình phát triển của hồng xiêm. Đặc biệt cần bổ sung các loại phân trước khi ra hoa khoảng một tháng. Để cây có đủ thời gian hấp thụ dinh dưỡng nuôi hoa và nuôi quả.

Ngoài ra, khi bón phân cần bón cân đối và đầy đủ. Để tăng khả năng đậu hoa đậu quả, thì cần bón cho hồng xiêm các loại phân giàu Bo, Magie, Kali.

Bổ sung các chế phẩm

Việc bổ sung thêm các chế phẩm có thể giúp cây giữa hoa và giữ quả tốt hơn. Hiện tại chế phẩm được sử dụng phổ biến và có hiệu quả là Flower 95 bổ sung khi cây ra được khoảng 50% hoa. Bà con nên pha với nồng độ từ 5 -10ml với 8-10 lít nước và phun đều lên cây. Phun với tần suất 1 tuần một lần cho cây cho tới khi hồng xiêm hết hoa và ra trái non.

5. Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh

Sâu đục hoa, ruồi

Sâu đục hoa là loại phát triển tương đối nhanh. Do đó để tránh loại sâu bệnh này, bà con nên tiến hành phun thuốc phòng trước. Các loại thuốc nên được chọn lựa để tránh ảnh hưởng tới chất lượng hoa và quả sau này. Hiện nay trên thị trường bà con có thể cân nhắc các loại thuốc như Azodrin, Vizubon-D, Moniter 50ND,…

Azodrin là loại thuốc tương đối phổ biến và hiệu quả trên hồng xiêm và nhiều loại cây ăn quả khác như cam, bưởi, vải. Bà con nên phun trước khi cây ra hoa. Thông thường liều lượng của loại thuốc này vào khoảng 1 lít thuốc cho 800-1000 lít nước. Phun đều khắp cây.

Ngoài ra, bà con có thể tự làm các bẫy ruồi, bướm bằng cách trộn đường hoặc mật ong với miếng cam quýt và một ít thuốc trừ sâu và treo vào mỗi gốc cây. Cần lưu ý nên chọn các loại thuốc trừ sâu không có mùi để đạt hiệu quả cao trong việc dẫn dụ và diệt trừ sâu bệnh.

Bệnh đốm lá, cháy lá

Đối với các bệnh hại hồng xiêm thì biện pháp chủ yếu là phun thuốc bảo vệ thực vật. Bà con có thể chọn lựa các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị cho đốm lá cháy lá như: Peslatolia, Sabotae, Zineb,… Khi sử dụng bà con cần lưu ý đọc kĩ hướng dẫn và pha đúng liều lượng trên bao bì để đạt hiệu quả tốt nhất.

Trên đây là những chia sẻ của Niên Giám Nông Nghiệp về nguyên nhân dẫn tới tình trạng hồng xiêm rụng hoa rụng quả cũng như cách khắc phục. Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn may mắn và thành công.

Theo: Biển Lặng

4/5 - (1 bình chọn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận