Thương hiệu “ếch giống anh tám” ở Hoà Khương

TT Khuyến Nông Khuyến Ngư Quốc Gia

Anh Cao Văn Tám ở thôn Phú Sơn, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình toàn huyện với mô hình chăn nuôi kết hợp ếch và cá.

Trước kia, anh Tám chỉ nuôi cá nước ngọt, hiệu quả tuy có cao hơn trồng lúa nhưng không nhiều. Kể từ năm 2003, sau khi tham khảo thực tế và tìm đọc nhiều tài liệu hướng dẫn, anh lần lượt mở rộng diện tích hồ cá và xây dựng những dãy trại nuôi ếch liền kề nhau với tổng diện tích trên 2.000m2. Các trại ếch được chia thành nhiều khu: khu nuôi ếch thịt, khu nuôi ếch bố mẹ, khu nuôi nòng nọc và ếch con. Trong mỗi khu lại phân thành nhiều ô để nuôi nhiều lứa liên tiếp nhằm có sản phẩm bán quanh năm.

Anh nuôi thường xuyên 200 ếch mẹ và 50 ếch bố. Mỗi ếch mẹ đẻ một lần trên 2.000 trứng, trừ hao hụt còn 1.000- 1.200 trứng nở thành nòng nọc và lớn thành ếch con. Từ khi ếch đẻ trứng cho đến khi có ếch con để bán giống chỉ trong vòng 45- 47 ngày và hiện nay ếch giống có giá bán 1.000- 1.300 đồng/con. Thời gian từ khi nuôi ếch đến khi bán ếch thịt là 70- 80 ngày. Theo anh Tám, bình quân nuôi 1 tạ ếch thương phẩm sẽ có lãi khoảng 4 triệu đồng (không tính công nuôi và kinh phí xây hồ).

Nên xem:   Hướng dẫn nuôi cá diêu hồng mang đến sản lượng cao nhất

Trước kia, anh Tám nuôi đồng thời nhiều loại cá như chép, mè, rô phi, trắm cỏ… nhưng qua kinh nghiệm thực tế, anh thấy nuôi như vậy ít lãi, bèn chuyển sang nuôi cá trê lai. Loại cá này, anh nuôi mỗi năm hai vụ, mỗi vụ thu được vài tấn cá, giá tại chỗ là 27.000 đồng/kg và có bao nhiêu cũng bán hết.

Cá và ếch đều ăn bột chăn nuôi C.V, có đại lý cung cấp tận nơi, cho ăn hàng ngày từ 2- 3 lần. Thức ăn thừa của ếch, kể cả phân ếch đều chảy xuống hồ và hàng chục ngàn con cá trê lai thi nhau “tận thu”. Nhiều vụ nuôi, anh Tám còn đặt những chiếc lồng lưới ngay trên mặt hồ cá để nuôi ếch theo kiểu “ếch trên cá dưới” nhằm tăng thêm thu nhập. 

Tất cả trại ếch, hồ cá đều được xây dựng kiên cố, xung quanh có bờ bao vững chắc để ngăn nước lũ. Hàng ngày, anh Tám thường xuyên theo dõi sự phát triển của ếch và cá, kịp thời xử lý những dấu hiệu khác thường và làm vệ sinh môi trường. Những hôm ếch đẻ anh đều phải thức canh (vì ếch thường đẻ vào ban đêm), ếch vừa đẻ xong là bắt ra ngay nếu không nó sẽ giẫm làm hỏng trứng.

Tại khu vực nuôi nòng nọc và ếch con, anh Tám thả những tấm mành trên mặt nước để khi nòng nọc trở thành ếch con thì nhảy lên đó ngồi. Chỉ đơn giản như vậy nhưng nếu không có những tấm mành ấy thì ếch con dễ bị chết ngộp. Anh cho biết thêm, ếch dễ bị chứng đỏ mắt và chướng ruột, nhất là khi trời lạnh nên phải luôn chú ý phòng ngừa. 

Nên xem:   TRANG TRẠI BỒ CÂU SÁNG TẠO

Khi bán ếch giống, anh Tám đều hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người mua hết sức tỉ mỉ, chu đáo. Đặc biệt, có những hộ nghèo còn được anh cho mượn giống để nuôi, trong khi lượng ếch giông không đủ đáp ứng nhu cầu người mua. Vậy là chẳng cần treo biển hiệu, chẳng cần tuyên truyền quảng bá nhưng đến Hoà Khương hỏi “ếch giống anh Tám” thì ai cũng biết. Và ngày ngày, người nuôi ếch ở nhiều nơi cứ đổ xô về đây hỏi mua “ếch giống anh Tám”.

Rate this post

Bài viết liên quan

Thêm bình luận